Khoáng là tên gọi tắt của một tập hợp gồm nhiều chất thiết yếu đối với tất cả các sinh vật trên trái đất này chứ không chỉ riêng sinh vật thủy sinh. Khoáng thường được chia thành 2 loại là khoáng đa lượng (Ca, Mg, Na, K, v.v.) và vi lượng (Cu, Fe, Mn, Ni, v.v.). Mỗi chất khoáng khác nhau sẽ có vai trò khác nhau.
Hồ đầy đủ dinh dưỡng, khoáng chất sẽ giúp động thực vật thủy sinh phát triển tươi tốt, lên màu đẹp
Khoáng được các sinh vật trong hồ sử dụng hàng ngày hàng giờ. Đến một lúc nào đó, nguồn khoáng này sẽ hết hoặc không còn đủ hàm lượng cần thiết để sinh vật phát triển hoặc duy trì hoạt động hàng ngày của chúng. Khi bị thiếu hụt khoáng chất sẽ xảy ra một số hậu quả tiêu cực như sau:
TĂNG ĐỘC TỐ TRONG NƯỚC
Vi sinh vật trong hồ cần các khoáng chất để hoạt động hiệu quả trong việc lọc nước và phân hủy chất thải. Thiếu khoáng chất làm giảm hiệu quả của vi sinh vật, dẫn đến tích tụ độc tố như ammonia (NH3) và nitrit (NO2), gây nguy hiểm cho cá và các sinh vật khác.
Nước hồ có thể nhìn trong vắt, nhưng chưa chắc là không có độc tố bởi vì nước trong và khả năng xử lý độc tố là 2 vấn đề khác nhau. Nếu thiếu khoáng, vi sinh sẽ chết hoặc hoạt động không ổn định, cho dù có thay 80 – 90% nước thì NH3 và NO2 vẫn có thể còn trong hồ và tích tụ càng lúc càng cao, khiến cho cá bệnh, cá chết.
Đo thực tế NH3 và NO2 để biết hàm lượng độc tố trong hồ là bao nhiêu
NH3: càng xanh càng độc, NO2: càng đỏ càng độc
Xem hướng dẫn đo NH3, NO2 tại đây
SỨC KHỎE SUY GIẢM
Sinh vật thủy sinh như cá, tép và ốc có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cá có thể phát triển xương yếu, tép và ốc có vỏ mềm và dễ vỡ, làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể và hệ miễn dịch, khiến cá, tép, ốc dễ bị nhiễm bệnh hơn, màu sắc nhợt nhạt.
Các khoáng chất như kali, magie và canxi rất quan trọng cho chức năng cơ bắp và hệ thần kinh. Nếu thiếu hụt có thể gây ra co giật cơ và suy giảm hoạt động thần kinh, ảnh hưởng tiêu cực đến sức đề kháng.
Một trong những nguyên nhân phổ biến làm cho cá bị dị dạng xương là do thiếu khoáng
Một số nguyên nhân khác bao gồm: bẩm sinh, di truyền hoặc cá bị nhiễm bệnh lao cá.
Cá bị mất màu, nhợt nhạt do sức khỏe suy giảm, tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh
KHẢ NĂNG SINH SẢN BỊ ẢNH HƯỞNG
Thiếu khoáng chất thiết yếu như canxi và magie có thể dẫn đến rối loạn khả năng sinh sản, làm giảm tỷ lệ sinh sản và tỉ lệ trứng nở.
HIỆU QUẢ QUANG HỢP GIẢM
Thực vật thủy sinh cần khoáng chất như sắt, magie và mangan để thực hiện quá trình quang hợp. Thiếu hụt những khoáng chất này làm giảm hiệu quả quang hợp, dẫn đến lá vàng úa và cây chậm phát triển.
Cây chậm phát triển, lá vàng héo úa, dễ bị nhiễm bệnh khi bị thiếu khoáng
MẤT CÂN BẰNG SINH THÁI
Thiếu khoáng chất làm suy yếu sự cân bằng sinh thái trong hồ cá. Tảo sẽ phát triển quá mức do vi sinh hoạt động kém hiệu quả và thiếu cạnh tranh từ thực vật thủy sinh khỏe mạnh, dẫn đến chất lượng nước suy giảm và nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác đến toàn bộ hệ sinh thái.
Hồ bị bùng tảo do mất cân bằng sinh thái
Biên soạn: CKCS – Cá Khỏe Cá Sung
Vui lòng dẫn nguồn khi copy hoặc sử dụng thông tin trích dẫn từ bài viết này.