Thông thường, chúng ta hay dựa vào màu nước trong hồ để đánh giá chất lượng nước, cứ thấy nước trong thì mặc định nghĩ là nước sạch, vi sinh đang hoạt động ổn định và xử lý tốt độc tố NH3 và NO2. Tuy nhiên, đây là một quan niệm rất sai lầm, bởi vì độ đục trong của nước và hàm lượng độc tố là 2 vấn đề khác nhau.
Nước hồ có thể nhìn trong vắt, nhưng chưa chắc là không có độc tố
Có những hồ nước nhìn rất trong, thậm chí có hồ vừa mới thay 50 – 70% nước, nhưng hàm lượng độc tố NH3 và NO2 trong nước lại cao chót vót, nếu chúng ta không tiếp tục thay nước cho đến khi nào hàm lượng NH3 và NO2 về mức an toàn thì cá sẽ bị ngộ độc và chết.
Nguyên nhân hàm lượng độc tố cao mặc dù đã thay nước là do vi sinh làm trong nước và vi sinh xử lý độc tố là 2 nhóm vi sinh khác nhau, mỗi nhóm sẽ đảm nhận một vai trò riêng. Chúng ta chỉ có thể đo thực tế thì mới biết chắc chắn được là vi sinh mà mình sử dụng có đang xử lý độc tố một cách hiệu quả và bền vững hay không.
Đo thực tế hàm lượng NH3 trong nước
Đo thực tế hàm lượng NO2 trong nước
Việc đo hàm lượng NH3 và NO2 rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng máy đo kỹ thuật số hoặc các bộ kit test để đo 2 chỉ số này. Một trong những bộ test phổ biến nhất ở Việt Nam đó là kit test Sera của Đức, được sử dụng rộng rãi trên khắp cả nước.
Kit Test đo NH3
Kit Test đo NO2
QUY TRÌNH ĐO:
- Bạn cho cá ăn như bình thường. Sau 20 – 24h, bắt đầu dùng kit test Sera để đo NH3 và NO2, nếu thấy màu sắc thay đổi và ở mức 1 mg/L trở lên thì nghĩa là vi sinh xử lý chưa hiệu quả.
- Trong một số trường hợp, do lượng thức ăn ít hoặc do mới thay nước, chỉ số đo có thể không rõ ràng. Với trường hợp này thì bạn vẫn cho cá ăn như bình thường trong 5 – 7 ngày (lưu ý không thay nước trong khoảng thời gian 5 -7 ngày này), sau đó mới đo và đọc chỉ số giống như trên.
HƯỚNG DẪN CÁCH DÙNG BỘ TEST SERA NH4/NH3:
- Múc nước từ hồ cần đo NH3 để tráng rửa mặt trong của ống nghiệm. Tráng rửa 3 – 4 lần. Lau khô mặt ngoài của ống nghiệm.
- Sau đó đổ nước đến vạch 10 ml (nếu hồ nuôi cá nước ngọt), hoặc vạch 5 ml (nếu hồ nuôi cá nước mặn).
- Lắc đều chai thuốc thử số 1 rồi nhỏ 6 giọt vào ống nghiệm. Sau đó lắc đều.
- Lắc đều chai thuốc thử số 2 rồi nhỏ 6 giọt vào ống nghiệm. Sau đó lắc đều.
- Lắc đều chai thuốc thử số 3 rồi nhỏ 6 giọt vào ống nghiệm. Sau đó lắc đều.
- Chờ 5 phút. Sau đó đặt lên tờ bảng màu (đi kèm với bộ test) và nhìn từ trên xuống để so sánh màu sắc. Lưu ý: cần so sánh màu ở nơi có ánh sáng tự nhiên ban ngày, không nhìn màu dưới ánh nắng trực tiếp để tránh kết quả bị sai lệch.
Nhìn từ trên xuống để so sánh màu sắc
Chỉ số ở dòng a) dành cho hồ cá nước ngọt. Dòng b) dành cho hồ nước mặn
Màu xanh ở trong hình nằm ở khoảng 0.5 – 1 mg/L
HƯỚNG DẪN CÁCH DÙNG BỘ TEST SERA NO2
- Múc nước từ hồ cần đo NO2 để tráng rửa mặt trong của ống nghiệm. Tráng rửa 3 – 4 lần. Lau khô mặt ngoài của ống nghiệm.
- Sau đó đổ nước đến vạch 5 ml.
- Lắc đều chai thuốc thử số 1 rồi nhỏ 5 giọt vào ống nghiệm. Sau đó lắc đều.
- Lắc đều chai thuốc thử số 2 rồi nhỏ 5 giọt vào ống nghiệm. Sau đó lắc đều.
- Chờ 5 phút. Sau đó đặt lên tờ bảng màu (đi kèm với bộ test) và nhìn từ trên xuống để so sánh màu sắc. Lưu ý: cần so sánh màu ở nơi có ánh sáng tự nhiên ban ngày, không nhìn màu dưới ánh nắng trực tiếp để tránh kết quả bị sai lệch.
Nhìn từ trên xuống để so sánh màu sắc
Màu đỏ như trong hình tương ứng với mức 5 mg/L(*), là mức rất nguy hiểm
(*) 5 mg/L là mức tối đa mà bộ test đo được, nếu hàm lượng NO2 thực tế có lớn hơn 5 mg/L thì chúng ta cũng chỉ có thể thấy màu đỏ đậm hơn chứ không biết chính xác là bao nhiêu, có thể là 10 mg/L, 20 mg/L hoặc hơn. Điều này giải thích cho lí do tại sao chúng ta đã thay 50 – 70% nước mà hàm lượng NO2 vẫn còn cao.
Biên soạn: CKCS – Cá Khỏe Cá Sung
Vui lòng dẫn nguồn khi copy hoặc sử dụng thông tin trích dẫn từ bài viết này.