Quá trình thay đổi môi trường sống từ trại cá đến cửa hàng cá cảnh, hay từ cửa hàng đến bể cá nhà bạn, là một quá trình gây ra rất nhiều căng thẳng cho các em cá. Việc bị đóng trong những cái bọc bé xíu, bị giằng xóc trong suốt quá trình vận chuyển càng làm tình trạng sức khỏe của mấy em trở nên tệ hơn. Cũng giống như con người chúng ta, khi bị căng thẳng, sức đề kháng của cá sẽ bị suy giảm và dễ bị các mầm bệnh tấn công, nếu không phục hồi/cách ly kịp thời thì chỉ vài ngày sau khi đem về, chúng sẽ bệnh và chết, tệ hơn nữa đó là lây bệnh sang những em cá cũ trong hồ. Nghe có vẻ như là cá rất dễ bị chết sau khi mua về, nhưng thực ra việc vận chuyển và dưỡng cá khá là đơn giản, khi bạn hiểu rõ và áp dụng đúng thì có thể đảm bảo tỉ lệ sống trên 90%.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể hạn chế tối đa những yếu tố gây căng thẳng cho các em cá trong quá trình vận chuyển, giúp chúng làm quen với môi trường sống mới, đồng thời không lây bệnh cho cá cũ trong hồ?
Một số thứ cần chuẩn bị trước khi rước cá về nhà
- Hồ/thau riêng để cách ly, dưỡng cá khi mới mua về. Nên đặt thau/hồ cách ly ở những nơi kín gió, có nhiệt độ ổn định, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời, cũng không nên đánh đèn khi đang dưỡng cá trong hồ. Chất liệu và dung tích của hồ cũng là một vấn đề cần lưu ý, hồ kính dễ hấp nhiệt hơn hồ bằng nhựa/xi măng nên nhiệt độ trong ngày của hồ kính cũng dao động nhiều hơn, hồ dung tích lớn có nhiệt độ ổn định hơn hồ dung tích nhỏ.
- Sủi oxy, muối hột, thuốc/hóa chất để phòng hoặc điều trị cho cá khi cần thiết.
- Kiểm tra chất lượng nước.
- Trong trường hợp bạn không có thau/hồ riêng để cách ly thì có thể thả cá mới mua vào hồ chính. Tuy nhiên, cách này có độ rủi ro cao, đặc biệt là đối với những loại cá nhạy cảm với môi trường nước mới, nếu chẳng may chúng có mang mầm bệnh thì sẽ dễ lây cho cá cũ trong hồ.
Tầm quan trọng của việc cách ly cá mới mua
– Một trại cá hoặc cửa hàng cá có thể bán ra hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con cá mỗi ngày, dù cho có kỹ lưỡng cách mấy thì cũng không thể nào đảm bảo 100% số lượng cá bán ra đều khỏe mạnh và không mang mầm bệnh. Chưa kể là có những con nhìn rất khỏe mạnh tại nơi bán, nhưng có thể chúng đang trong giai đoạn đầu ủ bệnh, chưa có biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài nên dễ khiến chúng ta nhầm tưởng cá không có bệnh. Sau khi đem về thả trong hồ được một vài ngày hoặc thậm chí một hai tuần thì mới bắt đầu phát bệnh và đi lây cho đàn cá cũ trong hồ. Chính vì vậy, chúng ta cần phải cách ly cá ngay từ lúc mới mua về để ngăn ngừa sự lây nhiễm này.
– Nếu điều kiện cho phép, bạn nên chuẩn bị sẵn 2 – 3 hồ cách ly trở lên, những con có biểu hiện bình thường thì cho vào 1 hồ, những con quá yếu hoặc nghi ngờ có bệnh thì cho vào hồ thứ 2, riêng những con rõ ràng là đang bệnh thì chuyển sang điều trị ở hồ thứ 3. Ngoài ra, mỗi hồ cũng nên có thêm một bộ công cụ dụng cụ riêng (vợt, siphon, v.v.) để hạn chế nguy cơ lây nhiễm từ hồ có cá bệnh sang hồ không bệnh.
– Tùy theo loại bệnh và tình trạng sức khỏe của cá mà bệnh bộc phát nhanh hay chậm, có khi chỉ vài ngày, nhưng cũng có khi vài tuần sau cá mới phát bệnh. Do đó, chúng ta cần theo dõi biểu hiện của cá trong 1 – 2 tuần hoặc hơn trước khi thả vào hồ chính.
Đánh thuốc/hóa chất phòng bệnh cho cá
– Trên thực tế, chẩn đoán bệnh không phải là một công việc đơn giản. Nguyên nhân là do có nhiều loại bệnh tuy khác nhau về tác nhân gây bệnh nhưng lại giống nhau về triệu chứng. Đặc biệt là ở giai đoạn đầu trước khi cá phát bệnh rõ ràng, phần lớn các loại bệnh đều có chung một số triệu chứng như: bơi giật cục, cọ quẹt cơ thể vào đáy hồ, cây thủy sinh hoặc các vật trang trí trong hồ; túm vây, túm đuôi; lừ đừ, tụ về đứng yên một góc trong hồ; thở gấp, thường bơi gần mặt nước hoặc sủi oxy; bỏ ăn; v.v. Chưa kể là có những loại bệnh phải mất nhiều ngày sau mới bắt đầu bộc phát. Chính vì vậy nên các trại cá, cửa hàng, và những người chơi cá cảnh giàu kinh nghiệm hiếm khi chờ đến khi cá phát bệnh mới chữa trị, thay vào đó họ sẽ đánh thuốc/hóa chất để phòng bệnh cho cá ngay từ lúc mới mua về.
Dùng thuốc Anti Stress để dưỡng và phòng bệnh cho cá khi vừa mới mua về
Tham khảo cách dưỡng cá tại cửa hàng cá cảnh
– Dưỡng và giúp cá làm quen với môi trường sống mới là công việc hàng ngày tại các cửa hàng cá cảnh. Tuy nhiên, mỗi cửa hàng thường sẽ giữ và dưỡng cá theo cách riêng của mình (pH, độ mặn, nhiệt độ nước, mật độ nuôi, các dòng cá có thể nuôi chung, loại/lượng thức ăn, loại thuốc/hóa chất sử dụng để phòng/trị bệnh cho cá, v.v.). Chính vì vậy, nếu bạn là người mới làm quen với thú vui cá cảnh, chưa có nhiều kinh nghiệm thì bạn nên hỏi người bán thật kỹ các cách thức dưỡng cá của họ nhé.
Vận chuyển
– Sau khi lựa cá xong sẽ tới công đoạn đóng bịch và mang về, khâu này tuy đơn giản nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe của cá, đây cũng là khâu dễ khiến cá căng thẳng nhất. Nếu tình trạng căng thẳng liên tục kéo dài thì sức đề kháng của cá sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, khiến chúng dễ bị xâm nhập và tấn công bởi các mầm bệnh tiềm ẩn trong nước đóng cá hoặc trong chính hồ cá tại nhà bạn.
– Thông thường đối với khách đến mua trực tiếp tại cửa hàng, người bán sẽ chỉ đóng cá trong bịch nilon và bỏ vào túi xốp cho khách mang về. Một số cửa hàng cẩn thận hơn thì bơm thêm khí oxy vào bịch đóng cá, dùng túi xốp màu đen để tránh ánh sáng mạnh (yếu tố gây căng thẳng cho cá) từ môi trường bên ngoài.
– Nếu quãng đường từ cửa hàng về đến nhà bạn chỉ mất dưới 15 – 20 phút, và trời đang mát thì không quá đáng lo ngại. Nhưng khi trời nắng gắt và quãng đường vận chuyển xa, nếu người bán không có sẵn thì bạn nên tự chuẩn bị trước thùng xốp, hoặc ít nhất là một cái hộp/túi xách để phần nào đó giúp cách nhiệt, hạn chế âm thanh và nguồn sáng mạnh từ môi trường xung quanh. Tránh để các bịch cá trong cốp xe máy vì đây là nơi hấp thu nhiệt rất cao, dễ khiến cho cá bị sốc nhiệt và có thể chết trước khi về đến nhà.
– Khi di chuyển từ nơi bán về nhà, bạn nên chạy xe nhẹ nhàng, từ tốn để hạn chế dằn xóc cho cá.
Dùng thùng xốp để giúp cá tránh bị sốc nhiệt trong quá trình vận chuyển
Giúp cá thích nghi với môi trường sống mới
– Sau quá trình vận chuyển, mấy em cá dễ bị căng thẳng nên màu sắc có thể sẽ nhạt hơn so với lúc còn ở cửa hàng, đây là điều bình thường, khi cá đã ổn định và quen với môi trường mới thì màu sắc sẽ trở lại như cũ.
– Khi cá về đến nhà, việc đầu tiên bạn cần làm ngay đó là cho bịch cá vào hồ cách ly và để đó trong khoảng 20 – 30 phút, điều này sẽ giúp nước trong bịch cá cân bằng nhiệt độ với nước trong hồ. Lưu ý khi thả bịch cá vào hồ, bạn không nên mở bịch ra ngay mà hãy để nguyên đó.
Ngâm bịch cá trong thau/hồ trong 20 – 30 phút để cân bằng nhiệt độ nước trong bịch và nước hồ
– Sau 20 – 30 phút, bắt đầu cắt mở bịch và múc nước trong hồ đổ vào bịch từ từ. Đây là công đoạn giúp cá làm quen với môi trường mới, do đó cần phải chia thành nhiều đợt châm nước để tránh làm cá bị sốc nước. Mỗi đợt chỉ nên cho vào một lượng nước bằng 10 – 20% lượng nước trong bịch, mỗi lần như vậy cách nhau 10 -15 phút. Khi tổng lượng nước châm vào bằng 100% lượng nước ban đầu trong bịch thì vớt cá thả vào hồ. Nếu cẩn thận hơn hoặc với những loại cá nhạy cảm với môi trường mới, thì sau khi châm đến mức 100%, chúng ta đổ bớt đi 75% lượng nước trong bịch và tiếp tục thực hiện lại các bước như trước cho đến khi đạt lại mức 100%, có thể lặp đi lặp lại quy trình này nhiều lần, sau đó thì thả cá vào hồ.
Sau 20 – 30 phút, bắt đầu cắt mở bịch và múc nước trong hồ đổ vào bịch từ từ
Ví dụ: lượng nước trong bịch đóng cá là khoảng 100ml. Sau khi cắt mở bịch, ta tiến hành múc 20ml nước từ hồ để châm vào bịch, 20 ml này tương đương với 20% nước trong bịch. Nghỉ 10 – 15 phút, tiếp tục cho thêm 20ml, rồi lại nghỉ 10 – 15 phút, cứ như vậy cho đến khi tổng lượng nước thêm vào đạt 100ml (bằng 100% lượng nước ban đầu trong bịch) thì vớt cá cho vào hồ. Trong lúc châm, nếu chưa đủ 100% mà bịch đã đầy thì đổ bớt nước ra và tiếp tục châm theo tỉ lệ 10 – 20%.
Châm nước nhiều đợt để giúp cá làm quen dần dần với môi trường nước mới mà không bị sốc nước
– Oxy đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cá nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau quá trình vận chuyển. Vì vậy nên chúng ta cần bật sủi oxy trong suốt thời gian cách ly, dưỡng cá. Với những loại cá có thể lấy oxy trực tiếp từ không khí và ưa thích môi trường nước tĩnh như cá betta, cộng với hồ nuôi có dung tích nhỏ, thì có thể không cần phải dùng đến sủi oxy.
Quan sát, theo dõi tình trạng của các em cá
– Sau khi thả vào hồ cách ly, trong 1 – 2 tuần đầu, bạn cần chú ý quan sát xem có em cá nào có biểu hiện quá yếu, căng thẳng hoặc có vẻ như đang bị nhiễm bệnh hay không. Nếu có thì vớt những em đó chuyển sang một hồ cách ly khác để tránh rủi ro lây bệnh cho những em đang khỏe mạnh. (Xem thêm các yếu tố gây căng thẳng cho cá tại đây)
– Sau 1 – 2 tuần, nếu mấy em cá vẫn sống khỏe thì có thể chuyển sang hồ chính. Chất lượng nước của hồ cách ly và hồ chính đôi khi không giống nhau, vì vậy để cho an toàn, khi chuyển cá sang hồ chính chúng ta cũng nên lặp lại các bước như lúc thả cá mới mua vào hồ cách ly, đầu tiên cho cá vào bịch nilon hoặc một cái thau nhỏ có thể đặt vừa trong hồ chính, sau đó múc nước từ hồ chính châm từ từ vào bịch/thau để giúp cá quen với môi trường nước mới.
– Trong trường hợp bạn bỏ qua giai đoạn cách ly, thả cá ngay vào hồ chính sau khi mua về thì cũng vẫn cần phải theo dõi cá thường xuyên trong 1 – 2 tuần đầu, nếu thấy con nào có biểu hiện quá căng thẳng hay nhiễm bệnh thì phải vớt ra ngay để dưỡng hoặc điều trị, song song đó là đánh thuốc dự phòng cho hồ chính vì có khả năng cá mới đã lây bệnh cho cũ trong hồ.
Quan sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của các em cá trong thời gian cách ly
Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cá trong thời gian cách ly
– Thức ăn phù hợp, đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp cá tăng cường sức đề kháng, nhờ đó mà sức khỏe của cá cũng được phục hồi nhanh hơn sau quá trình vận chuyển và làm quen với môi trường mới đầy căng thẳng.
– Cá mới mua về vẫn còn đang stress hoặc chưa quen với loại thức ăn mới nên đôi khi có tình trạng kén ăn, ăn yếu hoặc bỏ ăn trong vài ngày đầu. Bạn đừng nên quá lo lắng về vấn đề này, hầu hết các loại cá có thể nhịn ăn trong 1 tuần mà vẫn sống tốt như thường. Ngoài ra, bạn cũng có thể chuyển sang một vài loại thức ăn khác để thử xem có cải thiện được tình trạng kén ăn ở cá hay không.
– Trong thời gian cách ly, chúng ta chỉ nên cho cá ăn một lượng thức ăn vừa phải, nếu thấy còn dư sau khi cho ăn được 10 phút thì vớt hết thức ăn thừa ra khỏi hồ.
Biên soạn: CKCS – Cá Khỏe Cá Sung
Vui lòng dẫn nguồn khi copy hoặc sử dụng thông tin trích dẫn từ bài viết này.