Các mầm bệnh tiềm ẩn luôn luôn tồn tại trong tự nhiên, chúng có thể lẩn trong đất cát, sỏi đá; trôi lơ lửng trong nước; bám trên cá hoặc các động thực vật thủy sinh khác (tôm tép, rùa, ốc, rong, bèo, rễ cây, v.v.). Mặc dù vậy, cá trong môi trường tự nhiên thường có thể kháng lại được những mầm bệnh này, chúng cũng có thể tự do bơi đến những nơi có điều kiện tốt hơn để sinh sống. Trong khi đó, cá nuôi trong ao hồ không thể nào tìm tới nơi khác để thay đổi môi trường sống và tránh xa các mầm bệnh, nếu không dùng thuốc/hóa chất đặc trị thì chúng chỉ có thể dựa vào hệ miễn dịch (sức đề kháng) để chống chọi với mầm bệnh. Tuy nhiên, hệ miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu như cá rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài. Đến khi quá giới hạn chịu đựng, hệ miễn dịch sẽ không còn đủ mạnh để bảo vệ cá khỏi sự tấn công của các mầm bệnh tiềm ẩn trong hồ.
Nếu các bạn để ý thì sẽ thấy trong những ngày thời tiết thay đổi thất thường (vd: trời đang nắng thì tự nhiên mưa xối xả, khiến nhiệt độ nước thay đổi đột ngột), cá thường mắc bệnh và chết, nguyên nhân là do cá bị sốc nhiệt (yếu tố gây căng thẳng làm suy yếu sức đề kháng), các mầm bệnh tiềm ẩn tận dụng cơ hội này để tấn công vào cá. Ngoài nhiệt độ ra thì còn nhiều yếu tố khác có khả năng gây tác động xấu đến cá, khiến cho chúng bị căng thẳng, yếu dần đi và sau đó là nhiễm bệnh hoặc thậm chí tử vong.
Vậy điều gì khiến vật nuôi (cá, tôm tép, rùa, ốc, v.v.) bị căng thẳng?
Căng thẳng (stress) là tình trạng mà vật nuôi không thể duy trì trạng thái sinh lý học bình thường của chúng. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc vật nuôi bị đặt trong những điều kiện bất lợi cho sức khỏe, vượt quá khả năng chịu đựng thông thường của chúng. Khi căng thẳng, sức đề kháng của chúng sẽ bị suy yếu nên rất dễ bị các mầm bệnh tấn công. Bên dưới là một số ví dụ cụ thể về các yếu tố gây căng thẳng cho vật nuôi trong hồ của chúng ta.
Các yếu tố gây căng thẳng cho cá
Yếu tố hóa học
- Chất lượng nước kém: hàm lượng oxy hòa tan thấp, độ pH/dH/kH không phù hợp, hàm lượng chất độc cho cá (NH3, NO2, H2S, Clo, v.v.) trong nước cao, v.v.
- Ô nhiễm: do dùng các loại thuốc, hóa chất không đúng hoặc quá liều khi trị bệnh cho cá; thuốc diệt côn trùng vô tình bị đổ hoặc bị phun trúng vào hồ; thức ăn thừa nhiều do lỡ tay khi cho ăn.
- Thức ăn không đủ dinh dưỡng: thành phần thức ăn bị thiếu protein và các axit amin cần thiết cho sự phát triển và hệ miễn dịch của cá.
Yếu tố sinh học
- Mật độ nuôi quá cao.
- Nuôi nhiều dòng cá có đặc tính khác nhau trong cùng một hồ: một số dòng cá có tập tính săn mồi, có tính hiếu chiến hoặc bảo vệ lãnh thổ cao (cá betta (cá xiêm), cá la hán, cá rồng, cá tai tượng Châu Phi, cá phát tài, cá hồng két, v.v.), chúng có thể sẽ tấn công chính đồng loại của mình hoặc những loại cá khác có kích thước nhỏ hoặc lành tính hơn (cá bảy màu (guppy), cá dĩa, cá ông tiên, cá vàng Ranchu, cá vàng Oranda, cá ali, neon, v.v.).
- Cá mới mua về đã mang sẵn mầm bệnh, sau đó lây cho cá cũ trong hồ.
- Bất kỳ hồ nuôi nào cũng luôn luôn có sự hiện diện của nấm, vi khuẩn và ký sinh trùng. Một số loại vô hại nhưng cũng có một số loại có khả năng gây nguy hiểm cho cá. Nếu gặp điều kiện thuận lợi (thức ăn thừa nhiều; nhiệt độ, độ mặn phù hợp, v.v.) thì số lượng sinh vật gây hại (mầm bệnh) sẽ gia tăng nhanh chóng, đồng nghĩa với việc chúng sẽ có nhiều cơ hội hơn để tấn công và làm suy yếu hệ miễn dịch của cá.
Yếu tố vật lý
- Nhiệt độ: đây là một trong những yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến hệ miễn dịch của cá. Nếu nhiệt độ thay đổi nhanh hoặc thất thường sẽ rất dễ khiến cá bị căng thẳng và suy giảm sức đề kháng.
- Ánh sáng: hầu hết các loại cá đều thích sống ở những nơi có ánh sáng vừa phải, có bóng mát. Một số dòng lại thích chỗ tối hơn. Nếu liên tục đối mặt với nguồn sáng quá mạnh (ánh nắng trực tiếp từ mặt trời chiếu vào hồ, đèn chiếu sáng có công suất quá cao so với dung tích của hồ, v.v.), thì cá dễ bị hoảng và căng thẳng.
- Âm thanh từ môi trường xung quanh nếu có âm lượng quá lớn hoặc liên tục thay đổi đột ngột, thì cũng có thể khiến cá bị giật mình, hoảng sợ.
Yếu tố xử lý, vận hành
- Xử lý (vớt cá, phân loại cá, đóng cá vào bịch, thả cá vào hồ, v.v.) không đúng kỹ thuật làm cho cá bị chấn thương (rách mang, rách vây, tróc vảy, v.v.) và căng thẳng.
- Vận chuyển: khi cá được vận chuyển từ nơi này đến nơi khác (từ trại cá đến cửa hàng cá cảnh, hoặc từ cửa hàng cá cảnh đến nhà người mua), chúng sẽ phải đối mặt với vô số điều kiện bất lợi như bị dằn xóc; bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, âm thanh, ánh sáng từ môi trường bên ngoài nếu như không được đóng gói, che chắn cẩn thận; NH3 và vi khuẩn phát sinh trong nước vận chuyển cá; v.v.. Ngoài ra, thời gian vận chuyển càng lâu cá càng dễ bị căng thẳng.
- Điều trị bệnh: cá vốn đã ở trạng thái căng thẳng khi đang bị nhiễm bệnh. Nếu chẩn đoán sai bệnh, hoặc sử dụng thuốc và hóa chất không đúng liều lượng sẽ làm cho tình hình càng trầm trọng hơn.
Phản ứng báo động (Đáp ứng phản kháng)
Khi cá bị căng thẳng hoặc chấn thương thì chúng sẽ bắt đầu kích hoạt các phản ứng báo động, kéo theo đó là hàng loạt sự thay đổi diễn ra trong cơ thể chúng, chẳng hạn như:
- Cá điều tiết sự cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể chúng thông qua một quá trình được gọi là điều hòa áp suất thẩm thấu (osmoregulation). Nếu cá bị căng thẳng do những thay đổi trong hoạt động chuyển đổi khoáng chất, thì sự điều hòa áp suất thẩm thấu sẽ bị phá vỡ. Khi đó, cá nước ngọt có xu hướng hấp thụ nhiều nước hơn từ môi trường nuôi (hydrat cao), còn cá nước mặn có xu hướng bị mất nước vào môi trường (khử nước), vì vậy chúng sẽ cần nhiều năng lượng hơn mức thông thường để có thể duy trì được sự điều hòa áp suất thẩm thấu.
- Lượng đường trong máu gia tăng để đáp lại sự tiết ra hóc môn từ tuyến thượng thận khi glucogen ở gan được chuyển hóa. Điều này tạo ra một nguồn năng lượng dự trữ để cá sử dụng trong tình huống khẩn cấp.
- Phản ứng viêm (một cơ chế bảo vệ giúp cá chống lại sinh vật gây bệnh) sẽ bị ức chế bởi hóc môn tiết ra từ tuyến thượng thận.
- Hô hấp, huyết áp tăng lên; tế bào máu dự trữ bị giải phóng vào dòng tuần hoàn máu.
Cá điều tiết sự cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể chúng thông qua một quá trình được gọi là điều hòa áp suất thẩm thấu.
Cá có thể thích ứng với trạng thái căng thẳng trong một khoảng thời gian nhất định. Trong suốt khoảng thời gian này, cá trông có vẻ như đang sinh sống và hoạt động bình thường, nhưng thực tế là chúng đang dần sử dụng hết nguồn năng lượng dự trữ trong cơ thể, sự mất cân bằng hóc môn cũng bắt đầu xuất hiện, các lớp hàng rào bảo vệ cá khỏi sự xâm nhập của mầm bệnh cũng ngày càng suy yếu. Đến khi vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể, cá sẽ bị các mầm bệnh tấn công ào ạt và có thể dẫn đến tử vong. Lúc này nếu chúng ta không kịp thời điều trị bằng thuốc hoặc hóa chất, dịch bệnh sẽ bùng phát và lây lan cho tất cả cá trong hồ.
Cá có thể thích ứng với sự căng thẳng trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng đến khi vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể, cá sẽ bị các mầm bệnh tấn công ào ạt và có thể dẫn đến tử vong.
Biên soạn: CKCS – Cá Khỏe Cá Sung
Vui lòng dẫn nguồn khi copy hoặc sử dụng thông tin trích dẫn từ bài viết này.