Cá dựa vào hệ miễn dịch (sức đề kháng) để chống lại sự xâm nhập và tấn công của mầm bệnh (nấm, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng). Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch này sẽ suy yếu và mất đi hiệu quả bảo vệ nếu như cá liên tục ở trong trạng thái căng thẳng.
Trong quá trình nuôi cá, chúng ta không thể nào tránh khỏi những lúc sơ xuất khiến cho cá bị căng thẳng, vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh tiềm ẩn trong hồ phát triển với số lượng ào ạt hoặc để mầm bệnh nguy hiểm xâm nhập vào hồ từ nguồn bên ngoài. Một khi cá bị nhiễm bệnh, đặc biệt là với những loại bệnh nguy hiểm, phổ biến và cực kỳ dễ lây lan như Ich (bệnh đốm trắng), Velvet, thì nếu chỉ trông chờ vào hệ miễn dịch thôi là chưa đủ, mà cần phải kết hợp thêm thuốc/hóa chất đặc trị để tiêu diệt hoặc kiềm chế tốc độ phát triển của mầm bệnh, nhờ đó mà cá có thêm thời gian để phục hồi sức đề kháng và đẩy lùi mầm bệnh.
Trên thực tế, thuốc và hóa chất thường được sử dụng để phòng bệnh nhiều hơn là chữa bệnh. Nguyên nhân là do hậu quả của việc để cá bệnh là vô cùng lớn (hao tốn tiền bạc, thời gian, công sức và cả giá trị tinh thần). Chính vì thế nên các trại cá, cửa hàng và những người chơi cá cảnh giàu kinh nghiệm thường đánh thuốc phòng bệnh cho cá mới mua/nhập về để tránh rủi ro lây lan mầm bệnh từ cá mới sang cá cũ; hoặc định kỳ đánh thuốc vào hồ nuôi để tiêu diệt và hạn chế sự phát triển của các mầm bệnh tiềm ẩn, tích lũy ngày càng nhiều trong hồ theo thời gian.
Muối – giải pháp hiệu quả và giá rẻ
– Muối được sử dụng rất rộng rãi trong giới nuôi cá cảnh nước ngọt. Về bản chất thì muối cũng là một loại hóa chất, nếu dùng với liều lượng 1 – 3g/ lít nước, muối có thể giúp cá giảm căng thẳng do mất cân bằng áp suất thẩm thấu. Tuy hiệu lực không thể nào cao bằng các loại thuốc/hóa chất chuyên dụng, nhưng muối vẫn có hiệu quả trong việc điều trị một vài loại nấm, vi khuẩn và ngoại ký sinh trùng trên cá khi dùng với nồng độ cao (10 – 30g/ lít nước).
– Khi điều trị bằng muối, không phải cứ cho muối càng nhiều càng tốt mà cần phải dùng đúng liều lượng tùy theo loại mầm bệnh. Bên cạnh đó, khả năng chịu đựng độ mặn của mỗi loại cá cũng khác nhau (cá con khác cá trưởng thành, cá có vảy khác cá da trơn, có betta khác cá chép koi, cá guppy, cá dĩa, cá vàng, cá la hán, v.v.). Một số loại cá, đặc biệt là cá da trơn, rất nhạy cảm với muối nên chỉ có thể chịu được độ mặn ở nồng độ thấp. Nếu sử dụng quá liều sẽ gây căng thẳng cho cá, đây là điều tối kỵ cần tránh khi phòng hoặc trị bệnh vì khi căng thẳng, cá càng dễ bị mầm bệnh tấn công hơn.
– Trong trường hợp cá bị nhiễm nhiều loại bệnh cùng lúc, nếu chỉ dùng duy nhất muối để chữa trị sẽ không mang lại hiệu quả cao, thậm chí là hoàn toàn không có tác dụng nếu như cá bị nhiễm nội ký sinh trùng hoặc nhiễm khuẩn đường ruột. Lúc này chúng ta bắt buộc phải dùng đến các loại thuốc hoặc hóa chất phổ rộng (diệt được nhiều loại mầm bệnh), có hiệu lực cao.
– Ngoài ra, muối cũng không an toàn với hầu hết các loại ốc và cây thủy sinh cho dù sử dụng ở nồng độ thấp. Đối với những hồ có trồng cây thủy sinh, cách đơn giản nhất để phòng hoặc điều trị bệnh cho tất cả cá trong hồ đó là dùng những loại thuốc/hóa chất chuyên dụng, được chứng nhận là an toàn cho thực vật thủy sinh. Còn nếu bạn vẫn muốn dùng muối thì phải vớt hết cá trong hồ ra để tắm muối cho chúng trong một hồ riêng.
– Mặc dù có một số nhược điểm như trên, nhưng nhìn chung thì muối vẫn là một giải pháp khá hữu hiệu trong việc phòng và điều trị một số loại bệnh trên cá. Tuy mức độ hiệu quả không cao và nhanh bằng các loại thuốc chuyên dùng cho cá cảnh nhưng đổi lại muối có giá rẻ, có sẵn và có thể dùng trong tình huống khẩn cấp khi chưa kịp mua thuốc đặc trị.
Lưu ý: muối hột (muối biển) khác với muối ăn (muối xay). Muối biển là nguồn natri tự nhiên và có chứa nhiều khoáng chất khác như magie, canxi, kali. Trong khi đó, muối ăn qua quá trình chế biến đã bị mất đi các loại khoáng chất khác và thường có tăng cường thêm iốt, mặc dù vẫn có thể dùng tạm trong tình huống khẩn cấp khi không có muối biển hoặc thuốc đặc trị, nhưng không tốt cho cá nếu sử dụng nhiều.
Phân biệt muối hột (trái) và muối ăn (phải)
Phòng/điều trị bệnh bằng thuốc và hóa chất
– Ngoài muối, bạn nên chuẩn bị sẵn một số loại thuốc và hóa chất chuyên dụng để phòng/trị bệnh cho cá. Trong giới chơi cá cảnh, khi nhắc đến thuốc/hóa chất, một số người hay liên tưởng đến những điều tiêu cực, cho rằng cá dùng thuốc là cá yếu và luôn luôn nói không với việc dùng thuốc/hóa chất. Chính vì vậy, trên một số diễn đàn cá cảnh, có thể bạn sẽ thấy các thành viên chia thành 2 trường phái là nuôi cá tự nhiên không dùng thuốc và nuôi cá có dùng thuốc (khi cần thiết).
– Thế nhưng, cá cũng là động vật giống như con người, khi chúng ta bị bệnh thì cũng phải uống thuốc, cũng đi bệnh viện, không thể nào có chuyện tự nhiên khỏi bệnh chỉ trong vài ngày, trừ khi đó là bệnh quá nhẹ. Thậm chí với những người cẩn thận, luôn muốn sức khỏe của mình được ổn định, bảo vệ, thì hiếm khi đợi có bệnh mới trị, thay vào đó họ sẽ phòng bệnh bằng cách định kỳ kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng để chống cảm cúm theo mùa hoặc các loại bệnh khác.
– Khi phòng và trị bệnh cho cá cảnh nước ngọt, thay vì phân biệt so sánh, đắn đo là nên dùng muối hay dùng thuốc/hóa chất, chúng ta có một giải pháp tốt hơn đó là kết hợp sử dụng cả 2 loại cùng lúc để gia tăng hiệu quả điều trị. Muối (liều 1 – 3g/1 lít nước) sẽ giữ vai trò là chất làm giảm căng thẳng cho cá, còn thuốc/hóa chất đóng vai trò chính trong việc tiêu diệt và kìm hãm sự phát triển của mầm bệnh.
Kết hợp thuốc Anti Stress và muối để giảm stress, trị túm lắc và phòng bệnh cho cá mới mua về, hoặc cá con, cá mới đẻ, v.v.
– Trên thị trường hiện nay có bán rất nhiều loại thuốc để phòng và điều trị bệnh cho cá cảnh. Nếu phân loại theo tác nhân gây bệnh thì cơ bản có 2 loại:
- Thuốc đặc trị nấm và ký sinh trùng: được sử dụng để phòng và điều trị các bệnh như Ich (bệnh đốm trắng), Velvet, Epistylis, Chilodonella, Costia, Tetrahymena, nấm Saprolegnia, bệnh giun tròn, sán dây/sán lải/sán lá, trùn mỏ neo, rận nước, bệnh tóp bụng (do nhiễm nội ký sinh trùng), v.v.
- Thuốc kháng sinh (chuyên trị bệnh do vi khuẩn gây ra): bệnh lao cá, bệnh tóp bụng (do nhiễm khuẩn đường ruột), bệnh thối đuôi, thối vây, thối mang, thối miệng, loét da/vảy, mắt lồi, mắt đục, bệnh yên ngựa, bệnh đốm đỏ, xuất huyết, v.v. đây là những loại bệnh phổ biến ở cá, gây ra bởi vi khuẩn (Columnaris, Aeromonas, Mycobacteria, Corynebacterium, v.v.).
Dùng thuốc ParaKill để trị nấm và ký sinh trùng trên cá betta và các loại cá khác
– Tuy được phân biệt thành 2 loại như trên nhưng thuốc trị nấm và ký sinh trùng vẫn có khả năng diệt một số loại vi khuẩn. Ngược lại, thuốc trị vi khuẩn cũng có thể diệt được một số loại nấm và ký sinh trùng. Nếu để phòng bệnh cho cá thì bạn có thể dùng loại nào cũng được, nhưng nên chọn loại có phổ rộng (diệt được nhiều loại mầm bệnh khác nhau cùng lúc), không nên sử dụng những loại thuốc chỉ chuyên trị một loại bệnh cụ thế nào đó (vd: thuốc chỉ chuyên trị vi khuẩn gram dương sẽ không diệt được vi khuẩn gram âm, vì vậy không phù hợp cho việc phòng bệnh, thay vào đó chúng ta nên chọn mua những loại thuốc có thể trị được luôn cả 2 loại vi khuẩn gram âm, gram dương và nếu có thêm khả năng diệt nấm, ký sinh trùng thì càng tốt). Khi trị bệnh, để đạt hiệu quả cao nhất thì chúng ta cần phải dùng đúng loại thuốc (cá bị nhiễm ký sinh trùng thì dùng thuốc trị ký sinh, bị nhiễm khuẩn thì dùng thuốc kháng sinh).
– Mỗi loại thuốc thường sẽ có thành phần hoạt chất và nồng độ khác nhau, kể cả những loại thuốc có cùng công dụng điều trị một loại bệnh nào đó cũng vậy (Vd: ParaKill và Rid Ich Plus là 2 loại thuốc thường được dùng để trị bệnh Ich (nấm trắng), nhưng thành phần dược chất trong 2 loại này hoàn toàn khác nhau). Điều này dẫn đến cách thức và thời gian điều trị cũng không giống nhau. Do đó, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi tiến hành chữa trị nhé.
– Đặc biệt thận trọng khi dùng những loại thuốc có chứa muối đồng. Trước khi sử dụng cần phải đo kỹ độ KH của nước, nếu dưới 50 ppm thì tuyệt đối không sử dụng vì muối đồng trở nên cực độc và gây chết cá nếu KH < 50 ppm.
– Một số loại thuốc phổ rộng được sử dụng phổ biến và an toàn cho hầu hết các loại cá gồm có: Maracyn, Tetracycline, ParaKill, Anti Stress, ParaCleanse, General Cure, AAP MethyBlu, Oxytetracycline, Doxycycline, v.v.
Biên soạn: CKCS – Cá Khỏe Cá Sung
Vui lòng dẫn nguồn khi copy hoặc sử dụng thông tin trích dẫn từ bài viết này.