Bất cứ ai chơi cá cảnh cũng đều phải đối mặt với vấn đề cá bệnh, cá chết. May mắn thay, hiện nay có vô số video, bài viết trên mạng hướng dẫn cách chăm sóc, cũng như chẩn đoán và điều trị nếu chẳng may cá bị bệnh. Mặc dù vậy, chẩn đoán bệnh không phải là một công việc đơn giản. Ngay cả với những trại cá, là những người tiếp xúc, chăm sóc hàng chục hàng trăm ngàn con cá mỗi ngày, đôi khi vẫn có những chẩn đoán sai và dẫn đến thiệt hại không nhỏ (chết cá hàng loạt, dẫn đến mất đơn hàng và tốn thêm rất nhiều chi phí và thời gian để tái đàn).
Trong nhiều trường hợp, tuy có chung triệu chứng nhưng nguyên nhân khiến cho cá bệnh có thể là do một hoặc nhiều loại mầm bệnh khác nhau gây ra. Nếu chẩn đoán sai hoặc không linh hoạt trong cách điều trị thì tình trạng sức khỏe của cá sẽ không có tiến triển, thậm chí còn tệ hơn trước. Chẳng hạn như trường hợp cá bị túm đuôi, túm vây, thở gấp, bỏ ăn hoặc bơi lắc; nguyên nhân có thể là do một hoặc cùng lúc nhiều yếu tố khác nhau gây ra: chất lượng nước (hàm lượng NH3, NO2 cao khiến cá bị ngộ độc và khó thở); bị sốc nhiệt mỗi khi trời lạnh đột ngột; do một số con có tính hiếu chiến hơn, thường hay rượt đuổi, cắn nhau với những con khác trong hồ; do cá bị nhiễm nội/ngoại ký sinh trùng; v.v..
Những bạn mới tập chơi cá cảnh hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm thường gặp khó khăn trong việc nhận diện các dấu hiệu cá bệnh. Tới khi phát hiện ra thì đa phần là cá đã bệnh nặng và còn bị nhiễm thêm các loại bệnh thứ cấp khác (ví dụ: ban đầu cá chỉ bị nhiễm bệnh đốm trắng (Ich), nhưng vì không để ý hoặc không biết đó là bệnh gì nên không chữa trị kịp thời, dẫn đến cá dần dần bị suy yếu, giảm sức đề kháng nên dễ bị mắc thêm các bệnh khác như thối vây, thối đuôi, xuất huyết, v.v.).
Hậu quả của việc để lây lan mầm bệnh là vô cùng lớn, không chỉ làm hao tốn tiền bạc mà còn tốn thêm rất nhiều thời gian cũng như công sức để xử lý (kiểm tra chất lượng nước, vớt/tách cá bệnh, chuyển hồ, thay nước, lật bể, v.v.) và điều trị (chẩn đoán bệnh, chọn loại thuốc, theo dõi tình trạng sức khỏe của cá, v.v.). Chưa kể, cá còn mang giá trị tinh thần to lớn, sẽ rất đau xót và tiếc nuối nếu như những em cá gắn bó với chúng ta hàng năm trời bỗng dưng một ngày nào đó vô tình bị nhiễm bệnh và chết. Chính vì vậy nên phòng bệnh luôn luôn là giải pháp được ưu tiên áp dụng tại hầu hết các trại cá, cửa hàng và những người chơi cá giàu kinh nghiệm.
Phòng bệnh bao gồm nhiều nhóm công việc khác nhau, chẳng hạn như duy trì quản lý chất lượng nước tốt (định kỳ thay nước, đánh thuốc phòng bệnh cho ao/hồ nuôi, v.v.), thực hành an toàn sinh học (cách ly cá, vệ sinh khử trùng ao hồ và dụng cụ nuôi, v.v.), cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, v.v. Mục đích chính của những việc làm này là để hạn chế tối đa các yếu tố gây căng thẳng cho cá (nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cá bệnh, xem thêm tại đây), ngăn ngừa mầm bệnh lây lan từ cá mới sang cá cũ hoặc từ hồ này sang hồ khác.
Bên dưới là tổng hợp một số kinh nghiệm phòng bệnh, được áp dụng thực tế tại nhiều trại và cửa hàng cá cảnh lớn cũng như từ những người chơi cá cảnh lâu năm.
Cách ly cá mới mua về
– Phần lớn các trường hợp cá bị nhiễm bệnh là do cá mới mua về lây cho cá cũ. Điều này bắt nguồn từ tâm lý chung của rất nhiều người chơi cá cảnh, đó là mong muốn được nhìn ngắm cá bơi lội tung tăng trong hồ sớm nhất có thể, dẫn đến nôn nóng, chủ quan và bỏ qua khâu cách ly cá trước khi thả vào hồ chính. Đây là thói quen rất nguy hiểm vì một trại cá hoặc cửa hàng cá có thể bán ra hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con cá mỗi ngày, dù cho có kỹ lưỡng cách mấy thì cũng không thể nào đảm bảo 100% số lượng cá bán ra đều khỏe mạnh và không mang mầm bệnh. Chưa kể là có những con đang ủ bệnh nhưng chưa biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài, nên nhìn có vẻ vẫn còn rất khỏe mạnh. Nếu vội vã thả cá ngay vào hồ chính thì nguy cơ mầm bệnh lây lan từ cá mới sang cá cũ là rất cao.
– Quá trình xử lý và vận chuyển cá từ nơi bán về đến nhà là một quá trình gây ra rất nhiều căng thẳng cho cá, có thể khiến chúng từ không bệnh thành có bệnh. Nguyên nhân là do sức đề kháng của cá sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu như tình trạng căng thẳng liên tục kéo dài, các mầm bệnh tiềm ẩn (trong bịch nước đóng cá hoặc trong hồ nhà bạn) sẽ tận dụng cơ hội này để xâm nhập và tấn công vào cá.
– Trên thực tế, các trại cá, cửa hàng và nhiều người chơi cá có kinh nghiệm lâu năm hiếm khi đợi đến lúc cá có dấu hiệu bệnh mới trị. Thay vào đó, họ kết hợp sử dụng muối và thuốc/hóa chất phổ rộng (trị được nhiều loại bệnh khác nhau) để phòng bệnh cho cá ngay từ lúc mới nhập về, vì như đã phân tích ở trên, việc chẩn đoán bệnh không hề đơn giản, bên cạnh đó, có những loại bệnh phải mất hàng tuần sau mới xuất hiện triệu chứng rõ ràng.
Dưỡng và phòng bệnh cho cá mới mua về bằng Anti Stress
– Một số loại thuốc phổ rộng được sử dụng phổ biến và an toàn cho hầu hết các loại cá gồm có: Maracyn, Tetracycline, ParaKill, Anti Stress, ParaCleanse, General Cure, AAP MethyBlu, Oxytetracycline, Doxycycline, v.v.
Xem chi tiết quy trình cách ly phòng bệnh cho cá trước khi thả vào hồ tại đây.
Vệ sinh, khử trùng
– Bởi vì mầm bệnh có thể trôi nổi, bơi tự do trong nước, hoặc có độ bám dính cao nên chúng ta cần phải vệ sinh, sát trùng công cụ dụng cụ (thau, vợt, ống siphon, v.v.) ngay sau khi sử dụng cho mỗi hồ để phòng ngừa mầm bệnh lây lan từ hồ này sang hồ khác. Nếu điều kiện cho phép, bạn nên trang bị riêng cho mỗi hồ một cái vợt, ống siphon, v.v.
– Nếu quan sát thấy có cá chết, cá bệnh hoặc có biểu biện bệnh thì phải vớt chúng ra khỏi hồ càng sớm càng tốt, sau đó tiến hành các biện pháp phòng ngừa/điều trị phù hợp.
– Với những hồ có tiền sử cá bị tái bệnh nhiều lần (cứ 1 – 3 tuần lại thấy có nhiều con bệnh) dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học như cách ly cá mới mua, vệ sinh dụng cụ nuôi, đánh thuốc chữa trị nhiều lần, v.v. thì có khả năng là do điều trị sai phương pháp, chẩn đoán sai bệnh hoặc mầm bệnh đã kháng thuốc. Giải pháp cho trường hợp này là vớt hết cá sang một hồ khác (tốt nhất là hồ trống, không cây thủy sinh, không vật trang trí) để điều trị, nếu vẫn không thấy tiến triển tốt thì xem xét chẩn đoán lại bệnh hoặc thử đổi qua dùng một loại thuốc khác. Song song đó là vệ sinh toàn diện hồ cũ bằng cách:
- Rút hết nước trong hồ. Chùi rửa, vệ sinh sạch sẽ hồ, vật liệu lọc và các đồ vật trang trí trong hồ. Sau đó phơi khô trong ít nhất 2 – 3 ngày, tốt nhất là phơi dưới trời nắng.
- Nếu không tiện tháo hết nước trong hồ ra (thường là những hồ thủy sinh, có layout phức tạp) thì hãy để hồ trống cá trong ít nhất 2 – 4 tuần, phần lớn các mầm bệnh sẽ tự chết vì không còn cá trong hồ để hút lấy dinh dưỡng. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn và rút ngắn thời gian chờ đợi, chúng ta có thể sử dụng thêm thuốc/hóa chất (chọn loại an toàn cho cây thủy sinh) để tiêu diệt các mầm bệnh tiềm ẩn hoặc còn sót lại trong hồ.
Chất lượng nước
– Không nuôi cá với mật độ quá cao. Nếu nuôi quá nhiều mà không thay nước kịp thời, hoặc bộ lọc vi sinh không kịp xử lý lượng chất thải phát sinh mỗi ngày thì chất lượng nước sẽ giảm đi rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc nuôi ở mật độ cao cũng sẽ làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước.
– Định kỳ kiểm tra các thông số chất lượng nước quan trọng, bao gồm: nhiệt độ, pH, kH, NH3, NO2, NO3. Duy trì ổn định các thông số này sao cho phù hợp với yêu cầu của loại cá đang nuôi.
Kiểm tra các thông số chất lượng nước
– Thường xuyên thay nước hoặc sử dụng vi sinh để giảm sự tích tụ các chất dơ (phân cá, thức ăn thừa, xác động thực vật thủy sinh); chất thải nitơ (NH3 và NO2-), CO2, H2S; và ức chế sự phát triển của mầm bệnh. Xem thêm hướng dẫn nuôi vi sinh cho bể cá và hồ thủy sinh tại đây.
– Định kỳ đánh thuốc phòng bệnh cho cá, tùy theo mật độ cá nuôi và chất lượng nước mà chúng ta đánh thuốc 2 – 6 tháng một lần. Mặc dù việc cách ly cá, thay nước và sử dụng vi sinh (có lợi) có thể giúp hạn chế rủi ro dịch bệnh xuất hiện hoặc lây lan, nhưng vì quần thể vi sinh vật (có lợi lẫn có hại) trong nước rất phong phú và đa dạng, nên sẽ luôn luôn có sự tồn tại của các sinh vật gây hại (mầm bệnh) tiềm ẩn. Khi ở số lượng ít, mầm bệnh khó có khả năng gây bệnh cho cá, nhưng theo thời gian, chúng sẽ phát triển với số lượng ngày một nhiều hơn. Nếu chỉ thay nước thì không đủ để đảm bảo loại bỏ hết mầm bệnh ra khỏi hồ, nhất là khi chúng chìm sâu bên dưới lớp chất nền hoặc bám trên vật liệu lọc, cây thủy sinh, vật trang trí trong hồ; lúc này chúng ta nên sử dụng thêm thuốc/hóa chất để giảm quần thể vi sinh vật gây hại về mức an toàn cho cá nuôi trong hồ.
Sử dụng thuốc ParaKill để phòng bệnh trực tiếp cho cá trong hồ mà không cần phải vớt ra ngoài
Xử lý và vận chuyển
– Khi vớt cá, thao tác phải nhanh gọn dứt khoát; giảm tối đa số lần vớt cá lên khỏi mặt nước.
– Dùng vợt vớt cá có kích thước phù hợp, nếu nhỏ quá sẽ khó vớt và dễ xảy ra tình trạng lùa tới lùa lui làm khuấy động hồ, dễ khiến cho cá bị hoảng hoặc làm rách mang, vây, vảy cá.
– Thu hoạch, xử lý và vận chuyển cá vào những thời điểm mà cá ít bị tác động bởi các yếu tố gây căng thẳng và lây nhiễm. Chẳng hạn như chỉ nên vớt hay vận chuyển cá vào những lúc trời mát, nhiệt độ ổn định để tránh làm cá bị sốc nhiệt; không vớt hay vận chuyển cá sau khi cá vừa mới ăn no; khi chuyển cá từ hồ này sang hồ khác thì cần đảm bảo nhiệt độ nước giữa 2 hồ phải gần tương đương nhau.
– Hồ nuôi hoặc hồ cách ly, dưỡng cá phải đủ rộng rãi để cá có thể bơi tự do thoải mái. Không nên đặt quá nhiều vật trang trí có bề mặt gồ ghề sắc nhọn, vì có thể vô tình gây chấn thương cho cá trong lúc chúng đang trốn chạy khi bạn vớt, hoặc khi chúng bị rượt đuổi bởi những con cá khác trong hồ.
– Hàm lượng oxy hòa tan cao (5mg/l trở lên) đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp cá nhanh chóng phục hồi sau khi bị đánh bắt, vận chuyển hoặc khi xử lý điều trị bệnh cho cá. Do đó, luôn luôn chuẩn bị sẵn một vài cái máy sủi oxy dự phòng tại nhà để sử dụng lúc khẩn cấp.
– Khi chuyển cá từ hồ này sang hồ khác, hoặc gộp cá từ nhiều hồ khác nhau, nước dùng để vận chuyển cá thường được pha thêm muối hoặc thuốc dưỡng cá, hoặc kết hợp cả 2 loại. Mục đích là để phòng bệnh và giúp cá giảm stress trong suốt quá trình vận chuyển cá.
Dùng thuốc Anti Stress để giảm stress và phòng bệnh cho cá khi cần gom cá từ nhiều hồ khác nhau để phân loại, gộp hồ và chuyển hồ
– Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt thêm các túi giữ nhiệt hoặc đá lạnh vào thùng chở cá để ổn định hoặc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ nước trong suốt quá trình vận chuyển. Nhiệt độ thấp giúp cho nước giữ oxy tốt hơn, đồng thời cũng giảm được nhu cầu sử dụng oxy cho các hoạt động trao đổi chất của cá. Tuy nhiên, cần tính toán cẩn thận sao cho nhiệt độ sau khi giảm phù hợp với mức chịu đựng của loại cá đó.
Dinh dưỡng
– Sử dụng thức ăn chất lượng cao không những giúp kích thích tăng cường hệ miễn dịch, mà còn giúp cho cá phát huy hết vẻ đẹp màu sắc của chúng nhờ các sắc tố màu (carotenoid) có trong thức ăn.
– Cho ăn với liều lượng thích hợp. Tránh cho ăn quá nhiều vì thức ăn thừa sẽ làm dơ nước, tạo điều kiện cho mầm bệnh sinh sôi phát triển, đồng thời phân hủy thành NH3, NO2 là những chất độc hại đối với cá.
– Bảo quản thức ăn ở nơi khô ráo, thoáng mát để làm chậm quá trình hư hỏng của thức ăn. Tủ đông là giải pháp lý tưởng nhất cho việc lưu trữ bảo quản thức ăn.
Biên soạn: CKCS – Cá Khỏe Cá Sung
Vui lòng dẫn nguồn khi copy hoặc sử dụng thông tin trích dẫn từ bài viết này.