Trong quá trình nuôi cá và sử dụng vi sinh, chắc chắn chúng ta thường hay gặp phải tình trạng nước hồ bị đục, làm cho chúng ta phải tốn công đi thay nước để hồ nhìn trong và đẹp hơn. Thế nhưng không ít lần chúng ta thấy mặc dù đã thay nước, nhưng hồ vẫn tiếp tục đục chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, khiến chúng ta cảm thấy rất khó chịu và bất lực.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nước hồ bị đục. Bên dưới là một số nguyên nhân phổ biến:
CHẤT RẮN LƠ LỬNG
– Lúc mới setup hồ, các bụi bẩn nhỏ li ti từ phân nền sẽ bị xáo trộn khiến cho hồ của chúng ta nhìn rất là đục.
– Khi chúng ta đã nuôi cá được một khoảng thời gian, các ion kim loại (có sẵn trong nước, trong thức ăn hoặc từ các sản phẩm bổ sung) tích tụ ngày một nhiều, nếu chất lượng nước không được đảm bảo thì các ion kim loại này có thể bị kết tủa và khiến cho nước hồ nhìn đục hơn.
– Bên cạnh đó, thức ăn thừa, phân cá, xác cá, lá cây, v.v., bị phân rã thành những mảnh vụn nhỏ mịn trôi lơ lửng trong nước cũng làm cho nước hồ bị đục.

Phân nền bị xáo trộn

Phân cá, thức ăn thừa nhiều
Giải pháp:
Chúng ta nên dùng thêm bộ lọc cơ học (lọc thô) để thu gom các chất rắn lơ lửng trong nước này. Một số lọc thô phổ biến gồm có: bông lọc, mút lọc, tấm Jmat, v.v.

Tấm jmat và mút lọc ngoài công dụng là thu gom các chất rắn lơ lửng trong nước, còn là nơi để vi sinh trú ngụ và xứ lý các loại chất hữu cơ hòa tan và các độc tố trong nước như NH3, NO2
Các chất rắn lơ lửng trong nước thường có nhiều loại kích thước to nhỏ khác nhau. Để tối ưu hiệu quả lọc, chúng ta cần chú ý đến thứ tự sắp xếp các tấm lọc. Tấm jmat hoặc mút lọc nên được đặt ở ngăn đầu tiên để gom chất rắn lơ lửng có kích thước lớn trước, các mảnh vụn li ti có kích thước nhỏ hơn sẽ được thu gom bởi bông lọc đặt ở ngăn tiếp theo. Nếu làm ngược lại sẽ dễ bị ngẹt lọc, nước tràn.
VI SINH NỞ HOA
Vi sinh nở hoa (hay còn gọi là bùng phát vi sinh) là hiện tượng hồ bị đục thấy rõ chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Hiện tượng vi sinh nở hoa là dấu hiệu cho thấy sự dư thừa các chất hữu cơ trong hồ, bởi vì đây là nguồn dinh dưỡng giúp cho vi sinh phát triển. Chất hữu cơ thường là phân nền, thức ăn thừa, phân cá, xác động thực vật thủy sinh (cá chết trong hồ; rong rêu, lá cây héo úa bị rụng dưới đáy hồ). Tùy giai đoạn mà chúng ta có những cách giải quyết khác nhau.

Vi sinh nở hoa trong và sau khi sử dụng vi sinh
Để hiểu rõ hơn thì chúng ta có thể hình dung như thế này. Giả sử như cục lọc bio trong hồ của chúng ta có thể chứa được tối đa 1.000 con vi sinh. 1.000 con vi sinh này có thể xử lý được tối đa 1 mg chất hữu cơ. Lưu ý những con số như 1.000 con vi sinh hay 1 mg chất hữu cơ chỉ là ví dụ để đơn giản dễ hiểu, con số thực tế sẽ khác.

Một số mẫu lọc bio đơn giản, dễ sử dụng, dễ vệ sinh
TRONG GIAI ĐOẠN KÍCH HOẠT BỘ LỌC, MỚI SETUP HỒ
Khi mới kích hoạt bộ lọc, giả sử vi sinh ban đầu châm vào hồ chỉ có 10 con, do lượng chất hữu cơ có sẵn trong hồ nhiều (giả sử là 10 mg chất hữu cơ) nên chúng sẽ phát triển lên rất nhanh chóng chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, giả sử là nhân lên thành 10.000 con. Do cục lọc chỉ chứa được 1.000 con, và do vi sinh còn mới chưa ổn định, chưa bám được vào cục lọc nên sẽ có hơn 9.000 con vi sinh trôi lơ lửng trong nước, khiến cho hồ của chúng ta bị trắng đục. Sau khi ăn hết 10 mg chất hữu cơ, tất cả 10.000 con vi sinh này sẽ chết vì thiếu thức ăn. Nhưng do mỗi ngày chúng ta đều cho cá ăn nên có thể lượng chất hữu cơ sẽ duy trì ổn định ở mức (giả sử) 1 mg, vừa đủ cho 1.000 con vi sinh đang bám chặt trong cục lọc, như vậy thì 9.000 con còn lại sẽ bị chết, lúc này hồ của chúng ta sẽ trong trở lại.

Vi sinh nở hoa sau khi châm vi sinh

Sau khi hết chất hữu cơ dư thừa, hồ sẽ trong trở lại
Giải pháp: nếu thấy không quá đục thì chúng ta chỉ cần chờ, không cần thiết phải làm gì cả vì vi sinh nở hoa trong giai đoạn này là rất bình thường. Sau khoảng 2 – 4 ngày là nước sẽ trong trở lại, thỉnh thoảng có trường hợp lên đến 7 – 10 ngày do hàm lượng chất hữu cơ nhiều. Nếu hồ quá đục (gần như không thấy cá) hoặc thấy chờ quá lâu, chúng ta có thể tiến hành thay nước và tạm ngừng cho cá ăn trong vài ngày, kết hợp bật sủi oxy mạnh hơn bình thường.
SAU KHI BỘ LỌC ĐÃ ĐƯỢC KÍCH HOẠT
Việc vi sinh nở hoa trở lại sau khi hệ vi sinh đã ổn định được vài tuần hoặc vài tháng thường là dấu hiệu cho thấy bộ lọc đang bị quá tải. Thông thường, chúng ta có xu hướng nuôi nhiều cá trong hồ, và hay cho cá ăn quá tay nên để lại thức ăn thừa nhiều. Điều này sẽ khiến cho lượng chất hữu cơ tích tụ trong hồ càng lúc càng cao, vượt quá khả năng xử lý của 1.000 con vi sinh hiện có trong bộ lọc, hệ vi sinh buộc phải phát triển nhiều hơn để xử lý hết lượng chất hữu cơ dư thừa, 1.000 con này lại nhân lên thành 10.000 con, và do không còn điểm bám nên chúng lại trôi lơ lửng trong nước khiến cho hồ bị đục.

Giải pháp: giải pháp nhanh là thay nước hút phân, vớt bỏ thức ăn thừa/xác cá/lá cây và tạm ngưng cho cá ăn. Giải pháp lâu dài là nâng cấp bộ lọc, tức là dùng bộ lọc to hơn hoặc bổ sung thêm nhiều vật liệu lọc để chứa được nhiều vi sinh hơn; hoặc giảm bớt số lượng cá và/hoặc lượng thức ăn để lượng chất hữu cơ (được thải ra mỗi ngày) nằm trong ngưỡng có thể xử lý được của tổng số vi sinh hiện có trong bộ lọc.
Một số vật liệu lọc phổ biến


Nếu hệ thống lọc bị quá tải thì chúng ta nâng cấp bộ lọc, bổ sung thêm nhiều vật liệu lọc hơn
TẢO NỞ HOA
Nguyên nhân khiến cho tảo nở hoa thường là sự kết hợp của 2 yếu tố, đó là hồ đặt ở nơi có nguồn sáng mạnh và sự dư thừa dinh dưỡng trong hồ cá, đặc biệt là dư thừa NH3 và NO2 (sinh ra từ thức ăn thừa và sự bài tiết chất thải của cá, tép, ốc).

Giải pháp:
- Giảm ánh sáng: nếu dùng đèn chiếu sáng quá mạnh thì chúng ta giảm cường độ ánh sáng lại, và không nên chiếu sáng liên tục 24/7. Nếu hồ đặt ở nơi có nguồn sáng mạnh, hoặc có ánh nắng trực tiếp chiếu vào thì nên dời hồ sang chỗ khác, hoặc tìm cách che bớt ánh sáng lại.
- Dùng đèn UV: đèn UV có khả năng diệt tảo rất hiệu quả. Thông thường chỉ mất 1 – 2 ngày là đã diệt hết tảo, nếu tảo quá dày thì có thể lâu hơn. Nếu muốn nhanh hơn thì chúng ta chủ động thay bớt nước để giảm mật độ tảo trong hồ, sau đó mới dùng đèn UV.
- Giảm dư thừa dinh dưỡng: dinh dưỡng là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến bùng tảo. Do đó để kiểm soát được tảo một cách lâu dài, ổn định, chúng ta nên chú ý đến số lượng cá nuôi và lượng thức ăn hàng ngày, đảm bảo ở mức hợp lý để tránh thức ăn thừa nhiều. Xem thêm bảng đề xuất mật độ nuôi tại đây.
- Kích hoạt bộ lọc sinh học: một bộ lọc sinh học mạnh, sau khi được kích hoạt sẽ có khả năng xử lý triệt để lượng NH3 và NO2 thải ra hàng ngày, khiến cho tảo không còn đủ dinh dưỡng để phát triển. Xem thêm hướng dẫn kích hoạt bộ lọc sinh học tại đây.
Biên soạn: CKCS – Cá Khỏe Cá Sung
Vui lòng dẫn nguồn khi copy hoặc sử dụng thông tin trích dẫn từ bài viết này.