Câu trả lời bạn thường hay bắt gặp nhất đó chính là ít phải thay nước, một công việc cực kỳ tốn thời gian và công sức của không ít dân chơi cá cảnh, tép cảnh, đặc biệt là đối với những bạn nào nhà nuôi nhiều. Tuy nhiên, công dụng của vi sinh không chỉ có vậy, chúng còn có thể giúp phòng bệnh và ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây hại trong hồ cá của bạn, giúp vật nuôi (cá, tôm tép, v.v.) hấp thụ chất dinh dưỡng và tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tăng cường sức đề kháng và cải thiện hiệu suất sinh sản.
Để có thể lựa chọn, áp dụng một cách hiệu quả các loại vi sinh vật, trước hết chúng ta cần hiểu rõ bản chất và mối quan hệ giữa chúng với các loại vật nuôi trong hồ như cá, tép, rùa, ốc, cây thủy sinh, v.v.
Vậy vi sinh là gì?
– Trong lĩnh vực cá cảnh, thủy sinh, aquaponics, khi nhắc đến vi sinh nhiều người thường mặc định nghĩ chúng là những vi khuẩn có lợi. Nhưng trong thực tế, vi sinh vật bao gồm cả những loại có lợi lẫn có hại. Chúng là những sinh vật đơn bào có kích thước rất nhỏ, không quan sát được bằng mắt thường, bao gồm các vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương, thể thực khuẩn, các loại men và tảo đơn bào.
– Vi sinh vật có lợi thường được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như probiotics (lợi khuẩn), men vi sinh, chế phẩm sinh học vi sinh. Theo định nghĩa của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lợi khuẩn là những vi sinh vật còn sống, khi sử dụng một lượng vừa đủ sẽ có lợi cho sức khỏe của vật chủ.
Mối quan hệ giữa vi sinh vật và vật chủ (cá cảnh, tép cảnh, rùa, ốc, cây thủy sinh, v.v.)
– Trong môi trường thủy sinh, vật chủ và vi sinh vật (có lợi lẫn có hại) chia sẻ cùng một hệ sinh thái, đồng nghĩa với việc chúng tương tác, phụ thuộc lẫn nhau và cùng bị tác động bởi môi trường sống xung quanh của chúng. Nhiều báo cáo khoa học đã chứng minh rằng vi sinh vật trong nước hồ có mối liên quan và ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật sống trong đường ruột của vật chủ và ngược lại. Đa số vi khuẩn (có lợi lẫn có hại) trong đường ruột của cá có nguồn gốc từ nước nuôi cá và thức ăn, chúng có khả năng tồn tại và phát triển bên trong đường tiêu hóa của vật chủ, một số chúng sẽ bám vào phân và quay trở lại vào môi trường sống của vật chủ. Ngoài ra, một số vi sinh vật còn có khả năng bám và ký sinh trên mang, vảy, da của vật chủ, hoặc sống lơ lửng ở các tầng nước khác nhau trong hồ.
– Do mối quan hệ chặt chẽ giữa vi sinh vật (có lợi lẫn có hại) và vật chủ, nên việc kiểm soát và duy trì một hệ sinh thái với quần thể vi sinh có lợi áp đảo vi sinh có hại là điều hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cá, tôm tép, v.v. trong hồ.
Đa số vi khuẩn (có lợi lẫn có hại) trong đường ruột của cá có nguồn gốc từ nước nuôi cá và thức ăn
Làm thế nào để phát triển và duy trì hệ vi sinh vật có lợi trong môi trường nuôi?
– Để làm được điều này, ta cần phải hiểu các nhân tố chính tác động đến sự hình thành và phát triển hệ vi sinh vật, đó là nhân tố xác định và nhân tố ngẫu nhiên.
- Nhân tố xác định bao gồm: độ mặn, nhiệt độ, ánh sáng, hàm lượng oxy hòa tan, số lượng và chất lượng thức ăn. Nếu các yếu tố này được đảm bảo và duy trì theo hướng có lợi cho sự phát triển của vi sinh vật có lợi, thì hồ cá của bạn sẽ có được một hệ sinh thái tốt và ổn định.
- Nhân tố ngẫu nhiên bao gồm các yếu tố xuất hiện ngẫu nhiên phù hợp cho sự phát triển của một hay một nhóm vi sinh vật nào đó, các vi sinh vật này tình cờ có mặt đúng nơi đúng thời điểm để xâm nhập vào môi trường sống của động vật thủy sinh và sinh sôi nảy nở nếu gặp điều kiện thuận lợi.
– Trong 2 nhân tố trên thì nhân tố ngẫu nhiên đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi vì chúng ta hầu như không thể dự đoán được khi nào chúng sẽ xảy ra cho hồ cá của mình. Và vi sinh vật gây hại sẽ phát triển đột ngột, áp đảo quần thể vi sinh vật có lợi nếu nhân tố ngẫu nhiên xảy ra theo hướng có lợi cho chúng, chẳng hạn như:
- Đột ngột cúp điện, hệ thống bơm và sủi oxy ngừng hoạt động khiến cho lượng oxy hòa tan trong hồ thấp, điều này làm giảm số lượng vi khuẩn nitrat hóa (là loại hiếu khí, cần nhiều oxy để phát triển và xử lý NH3, NO2), đồng thời lại tạo điều kiện sinh sôi phát triển cho vi sinh vật gây hại kỵ khí (là loại phát triển tốt trong môi trường không có hoặc có ít oxy).
- Bạn không có thời gian hoặc vắng mặt lâu ngày (do công việc đột xuất, thi cử, lễ, Tết, v.v.) mà không có ai giúp thay nước. Trong khi đó, các nguồn dinh dưỡng để vi sinh phát triển như thức ăn thừa, chất thải, bùn cặn và các loại khí độc (NH3, H2S, NO2, v.v) tích tụ ngày một nhiều khiến cho quần thể vi sinh có lợi hiện có trong hồ không kịp xử lý, vi sinh vật gây hại sẽ ít bị cạnh tranh hơn và sinh sôi đột ngột với mật độ đủ để gây hại cho cá, tôm tép, v.v. trong hồ.
- Thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ dao động mạnh trong ngày.
- Thức ăn có vấn đề hoặc bị hư mốc, nhiễm khuẩn mà ta không biết.
- Đưa cá, tép, ốc hoặc cây thủy sinh mới mua về vào ngay hồ chính mà chưa qua giai đoạn cách ly, khử trùng. Trong khi chúng đã mang sẵn trên người một lượng lớn vi sinh có hại mà khi mua chúng ta lại không biết.
- Bạn bè, người thân, trẻ nhỏ tò mò thọc tay vào hồ để vẫy cá, vô tình mang mầm bệnh và vi sinh gây hại từ hồ có cá bệnh sang những hồ không có.
– Do đó, để hạn chế những rủi ro không mong muốn đến từ các yếu tố ngẫu nhiên, những người chơi cá cảnh, thủy sinh và aquaponics lâu năm thường rất chú trọng đến việc nuôi dưỡng vi khuẩn nitrat hóa bằng cách sử dụng các bộ lọc sinh học. Đồng thời bổ sung thêm các loại vi sinh có lợi khác như vi khuẩn axit lactic, vi khuẩn bacillus, vi khuẩn quang hợp (psb), nấm men, v.v. Ngoài khả năng xử lý chất thải, thức ăn thừa, các loại khí độc NH3, NO2, H2S, v.v. các nhóm vi sinh này còn giúp khắc phục những mặt hạn chế của vi khuẩn nitrat hóa trong bộ lọc vi sinh như: chúng có thể sinh sống trong môi trường có ít hoặc không có oxy, sống ở nơi thiếu hoặc nhiều ánh sáng đều được, sống bên trong đường tiêu hóa của vật chủ và sản sinh ra các hợp chất diệt khuẩn và nấm hại.
Biên dịch: cakhoecasung.com
Biên soạn: cakhoecasung.com
Nguồn tham khảo:
- Tania Perez-Sanchez và cộng sự (2013). Ứng dụng lợi khuẩn trong nuôi trồng thủy sản: Đánh giá thực trạng sử dụng. Tạp chí Reviews in Aquaculture, 5, 1–14.
- Verschuere L., Rombaut G., Patrick S. và Verstraete W. (2000). Sử dụng lợi khuẩn làm tác nhân kiểm soát sinh học trong nuôi trồng thủy sản. Tạp chí Microbiology and Molecular Biology Reviews, 64:4, 655 – 671.
- Sayes C., Leyton Y. và Riquelme C. (2017). Chương 7: Sử dụng lợi khuẩn như một giải pháp bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi thủy sản. Sách Sử dụng kháng sinh cho vật nuôi, 425 – 502.
- Zorriehzahra M. J. và cộng sự (2016). Vi sinh vật hữu ích trong nuôi trồng thủy sản: Cập nhật các nguyên lý hoạt động chúng. Tạp chí Veterinary Quarterly, 36:4, 228 – 241.
- Cruz P. M., Ibanez A. L., Hermosillo O. M. và Saad H. R. (2012). Sự dụng lợi khuẩn trong nuôi trồng thủy sản. Tạp chí International Scholarly Research Network, 2012, 916845.
- Bajagai Y. S., Klieve A. V., Dart P. J. và Bryden W. L (2016). FAO, Lợi khuẩn trong khẩu phần dinh dưỡng cho vật nuôi. Báo cáo khoa học về Sản xuất và quản lý sức khỏe vật nuôi của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, 179.
- Dennis P. DeLong và Thomas M. Losordo (2012). Làm thế nào để khởi động một bộ lọc sinh học. Tạp chí Trung tâm Nuôi trồng thủy sản khu vực miền Nam – Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, SRAC Publication 4502.