Velvet là một trong những loại bệnh phổ biến ở cá cảnh, đặc biệt là rất hay gặp trên cá Betta (cá xiêm, cá đá). Bệnh rất dễ lây lan và có thể khiến cá tử vong hàng loạt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Velvet thường bị nhầm lẫn là nấm, tuy nhiên, bản chất của Velvet là các loại ký sinh trùng có roi thuộc chi Amyloodinium (gây bệnh ở cá biển và cá nước lợ) và chi Piscinoodinium (gây bệnh trên cá nước ngọt). Ký sinh trùng gây bệnh Velvet có kích thước rất nhỏ. Khi bám trên thân cá, chúng nhìn giống như những lớp bụi mịn được tập hợp từ rất nhiều đốm nhỏ li ti có màu vàng hoặc nâu vàng như gỉ sét, vì vậy nên bệnh Velvet còn được gọi là bệnh gỉ sắt hoặc bệnh gỉ sắt vàng.
Trên thân cá xuất hiện nhiều đốm nhỏ li ti, tập hợp thành một lớp phủ giống như những lớp bụi mịn có màu vàng hoặc nâu vàng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Velvet
Bệnh Velvet có triệu chứng khá giống với Ich và nhiều loại bệnh khác do ký sinh trùng gây ra.
- Ở giai đoạn đầu, lúc bệnh còn nhẹ: cá bơi giật giật, có biểu hiện ngứa ngáy khó chịu nên hay cọ mình vào đáy hồ, cây thủy sinh hoặc các vật trang trí trong hồ.
- Khi bệnh tiến triển xấu hơn, vây và đuôi cá bị túm lại (khép chặt vào thân). Cá lừ đừ, ăn yếu hoặc thậm chí bỏ ăn.
- Đến lúc chuyển nặng, cá bị khó thở nên mang cá đóng mở nhanh hơn bình thường, hay bơi gần mặt nước hoặc sủi oxy.
- Biểu hiện điển hình nhất của bệnh Velvet là trên thân cá xuất hiện nhiều đốm nhỏ li ti, tập hợp thành một lớp phủ giống như lớp nhung (velvet) hoặc lớp bụi mịn có màu vàng hoặc nâu vàng.
- Ở giai đoạn chuyển biến rất nặng, cá có thể bị tróc da/vẩy.
Khi bị nhiễm nấm Velvet, cá betta bị túm vây, túm đuôi và bơi rất lừ đừ, mệt mỏi
Nấm Velvet dính vàng người cả 2 em betta Rồng Đỏ và Copper Gas trước khi sử dụng thuốc ParaKill
Vòng đời (chu kỳ) phát triển của Velvet
Cả 2 loại ký sinh trùng Velvet nước mặn và nước ngọt có vòng đời sinh học giống với một loại ký sinh rất phổ biến khác là Ich (bệnh đốm trắng/nấm trắng), cũng đều bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ nước và có 3 giai đoạn phát triển.
- Giai đoạn dinospore: ký sinh trùng bơi tự do trong hồ để tìm kiếm vật chủ (cá, tôm tép, rùa, ốc, v.v.), chúng sẽ tấn công vào lớp chất nhầy và biểu mô (chủ yếu ở da và mang) để bám chặt vào cơ thể cá.
- Giai đoạn trophont: sau khi bám vào cá, dinospore biến đổi thành trophont và bắt đầu ăn các mô biểu mô của da và mang để phát triển, khiến cho lớp chất nhờn cùng với da và mang cá bị tổn thương, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh khác dễ dàng xâm nhập vào cơ thể cá.
- Giai đoạn tomont: một khi trophont phát triển đầy đủ thì chúng rời khỏi cá, tạo bao nang và trở thành tomont. Sở dĩ bệnh Velvet đặc biệt nguy hiểm và rất dễ lây lan là vì một cá thể tomont có thể tự phân tách ra thành rất nhiều cá thể mới, có thể lên đến 256 tomont mới chỉ sau một chu kỳ. Sau khi chia tách xong thì tomont sẽ biến đổi thành dinospore và như vậy là một chu kỳ ký sinh mới lại bắt đầu tiếp diễn.
Quá trình chia tách thành các cá thể mới ở giai đoạn tomont thường diễn ra trong khoảng nhiệt độ 16 – 30°C. Quá trình này sẽ không thực hiện được nếu nhiệt độ nước dưới 15oC, mặc dù vậy, chúng không chết đi mà vẫn tồn tại trong hồ và chờ điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục phát triển thành dinospore. Ở khoảng nhiệt độ nước 23 – 25°C, toàn bộ vòng đời của ký sinh trùng Velvet sẽ diễn ra trong 10 – 14 ngày.
Cách thức phòng bệnh
– Cá mới mua về có thể đã mang sẵn mầm bệnh Velvet trên người. Vì vậy, tất cả cá mới mua cần phải được cách ly trong tối thiểu 1 tuần để phòng ngừa rủi ro truyền nhiễm từ cá mới sang cá cũ trong hồ. Do khó xác định được thời gian cá bộc phát bệnh (có thể là chỉ 24h sau khi mua về, hoặc cũng có thể là vài ngày sau mới có biểu hiện bệnh rõ ràng), nên trong thời gian cách ly, chúng ta có thể đánh thuốc để hạn chế và tiêu diệt mầm bệnh (nếu có) trước khi chúng phát triển đủ nhiều để bám vào cơ thể cá.
– Mầm bệnh Velvet có thể tồn tại tiềm ẩn dưới đáy hồ trong nhiều tuần lễ hay thậm chí hàng tháng, chờ đợi điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục chu kỳ phát triển của chúng. Khi hệ miễn dịch của cá bị suy yếu (thường là do cá bị stress) thì mầm bệnh sẽ bắt đầu tấn công xâm nhập vào cá.
– Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho cá dễ bị stress (căng thẳng), chẳng hạn như chất lượng nước kém; cá thiếu ăn hoặc thức ăn không đủ chất dinh dưỡng; nhiệt độ nước thay đổi bất thường, đột ngột, v.v. Do đó, chúng ta cần duy trì chất lượng nước thật tốt, và cung cấp thức ăn đầy đủ dưỡng chất để giúp cá nâng cao sức đề kháng của chúng.
Xem chi tiết các yếu tố gây căng thẳng cho cá tại đây.
Xem thêm quy trình cách ly phòng bệnh cho cá tại đây.
Phương pháp điều trị
– Cũng giống như Ich, các loại thuốc hoặc hóa chất điều trị chỉ mang lại hiệu quả cao khi ký sinh trùng Velvet đang ở giai đoạn bơi tự do (dinospore). Còn khi ở giai đoạn trophont hoặc tomont, chúng có khả năng kháng thuốc/hóa chất. Do có những đặc tính tương tự nên chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc cũng như quy trình điều trị Ich để áp dụng cho Velvet.
– Một số loại thuốc hay được sử dụng gồm có: Rid Ich Plus, ParaKill, Quick Cure, Copper Safe, Cupramine, v.v. Mỗi loại thường sẽ có thành phần và nồng độ không giống nhau, dẫn đến cách thức và thời gian điều trị cũng khác nhau, do đó cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi sử dụng.
Bên dưới là những kinh nghiệm điều trị bệnh nấm Velvet bằng thuốc ParaKill.
Các bước điều trị (áp dụng cho cả 2 loại Velvet nước ngọt và nước mặn):
- Nâng nhiệt độ nước trong hồ lên 28 – 30°C nếu như có thể.
- Bật sủi oxy để giữ cho lượng oxy hòa tan trong nước luôn ở mức cao. Riêng các loại cá có khả năng lấy oxy trực tiếp từ không khí như cá betta thì không nhất thiết phải dùng sủi oxy.
- Nhỏ ParaKill vào hồ với liều lượng 1 giọt/2 lít nước.
- Để có thể trị dứt điểm được Velvet, bạn cần lặp lại việc đánh thuốc nhiều lần, cũng với liều lượng 1 giọt/2 lít nước. Thời gian chờ giữa các đợt đánh thuốc phụ thuộc vào nhiệt độ nước (xem bảng bên dưới).
Nhiệt độ nước | Khoảng thời gian giữa 2 lần đánh thuốc |
Trên 27oC | Đánh thuốc liên tục trong ít nhất 5 – 7 ngày, mỗi ngày 1 lần. Nếu thấy cá đã sạch nấm trong vòng 5 ngày thì vẫn nên đánh dự phòng thêm 1 – 2 lần nữa, mỗi lần cách nhau 24 – 48h. |
23 – 26oC | Điều trị trong 10 – 14 ngày. Cách 48h đánh thuốc 1 lần. Sau khi thấy cá sạch nấm thì vẫn nên đánh dự phòng thêm 1 – 2 lần nữa, mỗi lần cách nhau 48h. |
Dưới 23 oC | Bệnh có xu hướng kéo dài, dai dẳng vì khó xác định được cụ thể khi nào ký sinh trùng sẽ ở giai đoạn dinospore. Giải pháp tốt nhất là nâng nhiệt độ nước lên 28 – 30°C. |
- Trước mỗi đợt đánh thuốc tiếp theo, nếu có thời gian thì bạn nên thay 20 – 30% nước và kết hợp hút phân, vớt bỏ thức ăn thừa và xác động thực vật thủy sinh ra khỏi hồ vì đây là những thứ mà Velvet có thể dính vào sau khi rời khỏi cơ thể cá.
- Sau khi đánh thuốc đợt cuối cùng được 24h, tiến hành thay 30 – 40% nước.
Một số lưu ý:
- Cá da trơn hoặc cá đang bị bệnh quá nặng có thể không chịu đựng được đủ 1 liều thuốc (1 giọt ParaKill/2 lít nước). Do đó, tùy theo biểu hiện của cá, nếu thấy ổn thì giữ nguyên liều, nếu không thì linh hoạt giảm nồng độ thuốc xuống còn 1 giọt/3 lít nước hoặc 1 giọt/4 lít nước.
- Cho cá ăn ít (bằng 20 – 30% so với bình thường) hoặc không cần cho ăn nếu thời gian điều trị dưới 7 ngày. Hầu hết các loại cá đều có thể sống tốt mà không cần ăn trong 1 tuần, một số loại có thể nhịn ăn đến 2 – 4 tuần. Hơn nữa, cá bệnh thường ăn rất ít hoặc bỏ ăn, nếu cố ép thì chỉ làm cho thức ăn thừa nhiều, gây dơ nước và càng khiến cá thêm căng thẳng.
- Mặc dù việc nâng nhiệt độ nước có thể giúp rút ngắn thời gian chữa trị, nhưng chúng ta chỉ nên nâng nhiệt độ trong giới hạn cho phép của loại cá đang nuôi và không được nâng lên quá nhanh. Nếu nhiệt độ nước vượt quá ngưỡng chịu đựng của cá hoặc được nâng lên nhanh đột ngột, chúng sẽ rất dễ bị stress vì sốc nhiệt và càng khiến cho bệnh nặng hơn.
Xem chi tiết hướng dẫn sử dụng thuốc ParaKill tại đây.
Bạn có thể xem hướng dẫn cụ thể hơn trong video bên dưới nhé:
Biên soạn: CKCS – Cá Khỏe Cá Sung
Vui lòng dẫn nguồn khi copy hoặc sử dụng thông tin trích dẫn từ bài viết này.