Để phòng và điều trị bệnh đạt hiệu quả cao nhất, ngoài việc chẩn đoán đúng bệnh, dùng đúng loại thuốc, chúng ta còn phải đặc biệt chú ý đến việc giảm thiểu tối đa các yếu tố gây căng thẳng cho cá trong suốt quá trình xử lý điều trị. (Xem thêm các yếu tố gây căng thẳng cho cá tại đây).
Dưới đây là một số kinh nghiệm được áp dụng trong thực tế:
Trước khi điều trị
- Đo nhiệt độ, dung tích nước trong hồ. Nếu nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp thì phải điều chỉnh về khoảng thích hợp cho loại cá đang cần phòng bệnh/điều trị. Máy sưởi nhiệt hoặc chiller là 2 loại thiết bị thường được sử dụng để điều chỉnh nhiệt độ.
- Xác định số lượng, mật độ cá nuôi trong hồ. Nếu hồ nuôi quá nhiều cá thì nên cân nhắc tách ra thành nhiều bầy nhỏ hơn để giảm rủi ro và tăng hiệu quả điều trị.
- Kiểm tra hạn sử dụng và liều lượng của sản phẩm dùng để điều trị, tránh dùng quá liều.
- Chuẩn bị sẵn sủi oxy để dùng khi cần.
- Hút phân, loại bỏ bớt các chất dơ trong hồ để nước hồ có chất lượng tốt nhất có thể trước khi điều trị. Nước hồ có thể nhìn trong vắt nhưng chưa chắc chất lượng nước sẽ tốt, cần đảm bảo hàm lượng các chất gây độc cho cá như NH3 và NO2 ở mức an toàn. Nếu không chắc chắn, bạn nên thay 50% – 70% nước trước khi điều trị, hoặc có thể vớt cá ra khỏi hồ chính để trị ở hồ riêng.
- Nhiệt độ là yếu tố rất dễ gây căng thẳng cho cá. Vì vậy khi thay nước, hoặc khi chuyển cá từ hồ này sang hồ khác, bạn cần đảm bảo nhiệt độ nước mới, hoặc nước giữa các hồ phải gần tương đương với nhau để tránh làm cá bị sốc nhiệt.
- Hồ điều trị cho cá nên đặt ở nơi có nhiệt độ ổn định, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Với những hồ ngoài trời, nếu dùng phương pháp ngâm cá trong nước thuốc thì nên điều trị lúc sáng sớm hoặc chiều tối.
- Trong nước máy thường còn clo (chất gây độc cho cá), nếu dùng nước máy để thay nước thì nên phơi nước trong 1 – 2 ngày hoặc dùng các chất khử clo trước khi sử dụng.
- Nếu có thể, hãy thử điều trị trước cho một nhóm nhỏ cá trong hồ trước khi trị cho cả hồ.
Khi điều trị
Theo dõi nhiệt độ nước và hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong nước. Đây là 2 thông số đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị. Oxy hòa tan cần phải được duy trì ở mức tối thiểu 5 mg/L trong suốt quá trình chữa trị.
Nếu hồ có dung tích nhỏ (< 10 lít) và loại cá đang điều trị thuộc bộ Labyrinth (vừa có khả năng lấy oxy trực tiếp từ không khí, vừa có thể hấp thụ oxy trong nước thông qua mang) và yêu thích môi trường nước tĩnh như cá betta, thì việc sử dụng sủi oxy trong lúc điều trị có thể không cần thiết.
Có 2 phương pháp điều trị chủ yếu:
– Tắm cá (ngâm cá trong nước đã pha thuốc): đây là cách được sử dụng phổ biến trong thực tế vì tính thuận tiện và dễ áp dụng. Khi điều trị bằng cách này, chúng ta cần lưu ý:
-
- Đảm bảo thuốc được hòa tan đều khắp hồ.
- Thường xuyên quan sát để xem cá có các biểu hiện bị stress (căng thẳng) hay không. Nếu cá có biểu hiện quá stress (bơi loạn xạ, thở gấp ở mặt nước, cố nhảy khỏi hồ, v.v.) trong quá trình điều trị, thì nhanh chóng thay 30 – 40% nước hoặc vớt cá sang một hồ/thau nước sạch khác. Chú ý nhiệt độ nước khi chuyển cá qua thau/hồ khác.
- Cho cá ăn ít (bằng 20 – 30% so với bình thường) hoặc không cần cho ăn nếu thời gian điều trị dưới 7 ngày. Cá bệnh thường ăn rất ít hoặc không chịu ăn, thức ăn thừa sẽ gây dơ nước, khiến nấm và vi khuẩn bùng phát làm cá thêm stress, và có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc điều trị. Hơn nữa, hầu hết các loại cá vẫn có thể sống tốt mà không cần ăn trong 7 ngày, một số loại có thể nhịn ăn đến 2 – 4 tuần.
- Hiệu quả điều trị có thể bị ảnh hưởng nếu như trong hồ trồng quá nhiều thực vật thủy sinh (nuôi rong, bèo, lục bình, v.v. quá dày đặc), sử dụng nhiều tiểu cảnh/vật trang trí, hoặc có lớp chất nền (phân nền) quá dày. Nguyên nhân là do chúng ta sẽ khó quan sát được tình trạng của cá để có những điều chỉnh phù hợp khi cần thiết; khó xác định lượng nước thực tế trong hồ là bao nhiêu nên có thể dẫn đến đánh thuốc quá liều hoặc không đủ liều; mầm bệnh chìm sâu bên dưới lớp chất nền hoặc len lỏi bên trong khe hở của tiểu cảnh, nếu nước (đã đánh thuốc) không được tuần hoàn lưu chuyển đều khắp tất cả các ngóc ngách trong hồ thì khó tiêu diệt được triệt để mầm bệnh, đây là tình trạng hay thấy ở các hồ nước tĩnh, không có sủi oxy. Với trường hợp này, bạn có thể chọn cách vớt hết cá ra khỏi hồ chính để điều trị ở một hồ khác (tốt nhất là hồ trống trơn), song song đó vẫn tiến hành đánh thuốc ở hồ chính để tiêu diệt mầm bệnh tiềm ẩn nằm dưới lớp chất nền, bám trên tiểu cảnh hoặc trên thực vật thủy sinh.
Tắm cá trong nước có pha thuốc để phòng/trị bệnh
– Trộn thuốc vào thức ăn cho cá: trong trường hợp cá bị nhiễm khuẩn đường ruột hoặc nhiễm nội ký sinh trùng, điều trị bằng cách trộn thuốc vào thức ăn sẽ mang lại hiệu quả cao và nhanh hơn so với ngâm cá trong nước thuốc. Tuy vậy, cách này chỉ có thể áp dụng khi cá chịu ăn. Trong khi đó, cá đang bệnh thường ăn yếu hoặc thậm chí bỏ ăn, nếu chúng không ăn thì chỉ còn cách là tắm cá trong nước thuốc.
Trộn thuốc vào thức ăn cho cá
Sau khi điều trị
Quan sát cá thường xuyên trong 24h sau khi điều trị.
Không làm cá stress trong ít nhất 48h.
Nếu đã điều trị được hơn 5 ngày mà không thấy có tiến triển tốt, thì có thể là do một số nguyên nhân sau:
-
- Chẩn đoán sai bệnh.
- Loại thuốc đang sử dụng chưa đủ mạnh để diệt mầm bệnh.
- Mầm bệnh đã kháng thuốc.
- Cá bị nhiễm thêm các loại bệnh thứ cấp khác mà loại thuốc đang dùng không có khả năng trị những loại bệnh này.
Trong trường hợp này, chúng ta cần chẩn đoán lại bệnh và/hoặc thử đổi qua sử dụng một loại thuốc khác có hiệu lực cao/phổ rộng hơn.
Biên soạn: CKCS – Cá Khỏe Cá Sung
Vui lòng dẫn nguồn khi copy hoặc sử dụng thông tin trích dẫn từ bài viết này.