Khi các mầm bệnh bắt đầu lây lan, không phải tất cả cá trong hồ đều sẽ nhiễm bệnh và chết cùng lúc, đó là vì có nhiều yếu tố khác nhau tác động đến việc mỗi cá thể sẽ phản ứng ra sao đối với một mầm bệnh tiềm năng. Dịch bệnh chỉ bùng phát và gây nguy hiểm đến vật nuôi trong hồ khi:
- Mầm bệnh (nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng, virus) có khả năng và có số lượng đủ nhiều để gây bệnh.
- Cá đang trong trạng thái nhạy cảm và căng thẳng do phải đối mặt với các điều kiện bất lợi từ môi trường nuôi, dần dần các lớp hàng rào bảo vệ cho cá bị suy yếu.
Những hàng rào bảo vệ giúp cá chống chọi lại mầm bệnh
Lớp chất nhờn
– Chất nhầy (lớp chất nhờn) là rào cản vật lý đầu tiên giúp ngăn ngừa, hạn chế sự xâm nhập của các sinh vật gây bệnh từ môi trường nuôi vào cá. Nó cũng là một rào cản hóa học bởi có chứa các enzym và kháng thể có khả năng tiêu diệt mầm bệnh. Chất nhầy cón có chức năng làm trơn cá, giúp chúng di chuyển dễ dàng trong nước, và cũng rất quan trọng đối với sự điều hòa áp suất thẩm thấu của cá.
– Lớp chất nhờn của cá sẽ bị tổn hại hoặc mất đi (hay còn gọi là bị mất nhớt, tuột nhớt) nếu chúng gặp phải những chấn thương trong lúc xử lý (vớt bắt cá, phân loại, vận chuyển, v.v.), hoặc do một số hóa chất trong nước (nước còn tồn dư nhiều clo; hàm lượng NH3, NO2- trong nước cao; dùng sai hóa chất trị bệnh hoặc quá liều; v.v.). Điều này khiến cho vai trò bảo vệ của lớp chất nhờn bị giảm hiệu quả, đồng thời gây ra tình trạng hấp thu quá nhiều nước ở cá nước ngọt và mất nước ở cá nước mặn.
– Ngoài ra, do khả năng bôi trơn bị suy giảm nên cá cần nhiều năng lượng hơn để có thể bơi như bình thường, trong khi đó, nguồn năng lượng dự trữ đã bị tiêu hao cho các hoạt động trao đổi chất. Khi nguồn năng lượng dần bị cạn kiệt, cá khó có thể thoát khỏi sự tấn công của mầm bệnh.
Chất nhầy (lớp chất nhờn) là rào cản vật lý đầu tiên giúp ngăn ngừa, hạn chế sự xâm nhập của các sinh vật gây bệnh từ môi trường nuôi vào cá
Vảy và da
– Vảy và da cá cũng đóng vai trò như một hàng rào vật lý để bảo vệ cá khỏi các mầm bệnh. Những nguyên nhân dễ gây tổn thương cho vảy và da bao gồm: cách thức xử lý cá (vớt, đánh bắt cá, vận chuyển cá không đúng cách); hồ nuôi có nhiều bề mặt/vật thể xù xì, gồ ghề, sắc nhọn có thể làm cho cá chấn thương nếu chúng vô tình va vào trong lúc rượt đuổi nhau; cá cắn nhau do mật độ nuôi quá cao hoặc do tập tính.
– Khi ký sinh trùng bám được vào cơ thể cá, chúng có thể gây ra những tổn thương cho mang, vây và da cá. Trong nhiều trường hợp cá bị nhiễm ký sinh trùng nặng, nguyên nhân thực sự khiến cho cá chết không hẳn là do ký sinh trùng mà là do vi khuẩn. Các vết thương hở do ký sinh trùng gây ra, kết hợp với tình trạng căng thẳng của cá, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại dễ dàng xâm nhập vào cơ thể cá, khiến cho cá nhiễm bệnh nặng hơn và dẫn đến tử vong.
Nấm Velvet bám dày trên người cá betta và làm tróc vẩy cá
Viêm
– Viêm là một phản ứng miễn dịch tự nhiên của các tế bào trong cơ thể cá, giúp chúng chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm hoặc độc tố.
– Khi cá bị viêm, biểu hiện thường thấy nhất đó là có những vết sưng tấy, ửng đỏ xuất hiện trên cơ thể của chúng. Ngoài ra, một số chức năng hoạt động của cá cũng có thể suy yếu hoặc mất đi khi bị viêm, chẳng hạn như bơi chậm, lừ đừ, nằm yên một chỗ, hô hấp khó khăn.
– Bất kỳ tác nhân gây căng thẳng nào khiến cá thay đổi nội tiết tố cũng sẽ làm giảm tính hiệu quả của phản ứng viêm. Căng thẳng do nhiệt độ, đặc biệt là những lúc trời lạnh, có thể khiến cho các tế bào tiêu diệt tự nhiên của hệ miễn dịch ngừng hoạt động hoàn toàn. Trong khi đó, các tế bào này chính là lớp hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể, giúp cá chống lại các tế bào ung thư và sự xâm nhập của các sinh vật gây bệnh. Khả năng chống chọi với mầm bệnh của cá cũng bị suy giảm nghiêm trọng nếu nhiệt độ nước trong hồ quá cao. Vì khi đó, hàm lượng oxy hòa tan trong nước sẽ giảm, còn cá thì lại cần nhiều oxy hơn bình thường để cung cấp cho các hoạt động trao đổi chất. Song song đó, một số loại sinh vật gây hại lại phát triển tốt hơn nhờ nhiệt độ tăng cao (như bệnh đốm trắng ở cá nước ngọt, do ký sinh trùng Ichthyophthirius multifiliis gây ra, nhờ nhiệt độ nước cao, chúng sinh sôi phát triển rất nhanh và bám vào cá ngày một nhiều).
Các vết sưng, ửng đỏ trên người chứng tỏ cá đang bị viêm, đồng nghĩa với việc chúng đang phản ứng trước sự tấn công của một tác nhân nào đó (vi sinh vật, ký sinh trùng, tác nhân hóa, lý, v.v.)
Kháng thể
– Không giống như phản ứng viêm và các cách thức bảo vệ thông thường khác, kháng thể là những hợp chất được tạo ra bởi cơ thể để chống lại các sinh vật ngoại lai. Sau lần tiếp xúc đầu tiên với mầm bệnh, cơ thể cá sẽ hình thành nên các kháng thể giúp chúng chống lại sự lây nhiễm gây ra bởi chính mầm bệnh đó trong tương lai.
– Cá nuôi nhốt trong môi trường vô trùng thường có sức đề kháng kém và dễ bị nhiễm bệnh. Cá bột, cá con có hệ miễn dịch kém phát triển hơn so với cá trưởng thành, do đó, chúng cũng dễ bị lây nhiễm bệnh hơn.
– Căng thẳng làm suy yếu khả năng sản xuất và giải phóng các kháng thể. Căng thẳng do nhiệt độ, đặc biệt là khi nhiệt độ giảm nhanh chóng và đột ngột, càng làm cho khả năng sinh kháng thể của cá bị suy giảm một cách trầm trọng. Nếu để tình trạng căng thẳng liên tục kéo dài, mầm bệnh sẽ càng có thời gian để sinh sôi phát triển và lây nhiễm mạnh hơn.
Biên soạn: CKCS – Cá Khỏe Cá Sung
Vui lòng dẫn nguồn khi copy hoặc sử dụng thông tin trích dẫn từ bài viết này.