Nấm trắng là tên thường gọi của một loại ký sinh trùng có tên khoa học là Ichthyophthirius multifiliis (gọi ngắn gọn là Ich) và cũng là tên của loại bệnh mà nó gây ra. Một dấu hiệu điển hình khi cá bị nhiễm Ich đó là trên thân cá xuất hiện nhiều đốm trắng li ti nhỏ như hột muối, chính vì vậy bệnh Ich hay được gọi là bệnh đốm trắng.
Ich được xem là một trong những loại bệnh phổ biến nhất ở các loại cá cảnh nước ngọt (cá rồng, cá chép koi, cá vàng, cá dĩa, cá ông tiên, cá la hán, cá lau kiếng, cá chuột, cá guppy, cá hồng két, tai tượng châu phi, cá neon, cá ali, mún, bình tích, v.v.). Hầu như ai chơi cá cảnh cũng từng gặp phải loại bệnh này. Trong khi nhiều loại ký sinh trùng đơn bào khác có cách sinh sản khá đơn giản (từ 1 cá thể chia tách thành 2 cá thể), thì một cá thể Ich lại có thể sinh sôi ra hàng trăm đến hàng ngàn cá thể mới chỉ trong một vòng đời của chúng, điều này khiến Ich trở thành loại bệnh đặc biệt nguy hiểm và cực kỳ dễ lây lan, có thể gây chết cá hàng loạt chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nếu không điều trị thì tỉ lệ cá chết 100% là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì thế nên việc phát hiện sớm để điều trị là hết sức quan trọng.
Các đốm trắng (Ich) nhỏ li ti dính trên thân, vây lưng và vây đuôi của cá vàng (Ranchu, Oranda, Ryukin, v.v.)
Nấm trắng trên cá neon
Dấu hiệu nhận biết Ich
– Dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh Ich đó là sự xuất hiện của những đốm trắng li ti, nhỏ như những hạt muối ăn ở nhà. Các đốm trắng này dàn trải khá đồng đều trên thân cá, nhưng hiếm khi thấy xuất hiện trên mắt cá, và cũng không tập trung thành từng cụm/mảng trắng lớn trên người cá.
Nấm trắng Ich trên các loại cá họ Cichlid (cá Tai Tượng Châu Phi, cá Ali, Hồng Két, cá Oscar, cá La Hán, cá dĩa, cá ông tiên, v.v.)
Nấm trắng Ich trên cá dĩa và cá lau kiếng
– Nếu cá có màu trắng hoặc màu nhạt thì rất khó nhìn thấy được các đốm trắng này. Đặc biệt, nếu Ich lây nhiễm ở mang cá trước khi lan sang nơi khác trên cơ thể cá thì chúng ta sẽ hoàn toàn không thấy được các đốm trắng, trong trường hợp này, phần mang cá sẽ bị sưng tấy và có màu sắc nhợt nhạt.
– Khi chúng ta có thể nhìn thấy rõ các đốm trắng bằng mắt thường thì nghĩa là cá đã bị bệnh nặng. Trước khi các đốm trắng xuất hiện, cá thường có các biểu hiện như:
-
- Ở giai đoạn đầu, cá bơi giật cục, hay cọ quẹt cơ thể vào đáy hồ, cây thủy sinh, sỏi đá, hoặc các vật trang trí khác trong hồ để cố đánh bật ký sinh trùng bám trên người, khiến chúng bị ngứa ngáy.
- Túm vây, túm đuôi. Thay vì xòe ra tự do như bình thường thì vây, đuôi của cá bị khép sát lại.
- Đến giai đoạn chuyển nặng, cá bơi yếu, lừ đừ, thở nặng nhọc và thường ngoi lên mặt nước hoặc bơi loanh quanh gần sủi oxy/bộ lọc để cố lấy thêm oxy.
- Cá bắt đầu ăn yếu hoặc thậm chí bỏ ăn.
Khi chuyển nặng, cá sẽ bị túm vây/đuôi, bơi lừ đừ và bắt đầu bỏ ăn
– Nhiều loại bệnh khác cũng có một vài hoặc tất cả những triệu chứng như trên (bơi giật cục, túm đuôi/vây, lừ đừ, bỏ ăn, v.v.). Đặc biệt có 2 loại bệnh nhìn bề ngoài rất giống Ich, cũng đều có những chấm trắng xuất hiện trên thân cá, đó là bệnh Tetrahymena (hay thấy ở các loại cá đẻ con như guppy, mún, huyết kiếm, bình tích, v.v.) và bệnh Epistylis (thường thấy ở cá vàng, cá chuột, cá lau kiếng và các loại cá hay có thói quen ăn ở tầng đáy).
– Vì vậy, cần đặc biệt cẩn trọng khi chẩn đoán bệnh cho cá, nếu không sẽ dễ dẫn đến việc dùng sai thuốc và điều trị không hiệu quả.
Ich khiến cá chết bằng cách nào?
– Tuy các nhà khoa học vẫn chưa biết một cách chắc chắn làm thế nào mà Ich có thể giết chết cá, nhưng thông qua nhiều cuộc nghiên cứu, họ đã tìm thấy một vài manh mối có liên quan đến việc cá chết khi bị nhiễm Ich. Cá hấp thụ oxy trong nước thông qua mang, khi bị Ich tấn công, các nhà khoa học đã quan sát thấy rằng lớp biểu mô của mang cá sẽ phòng vệ bằng cách trở nên dày hơn, điều này lại vô tình gây khó khăn cho việc vận chuyển oxy từ nước vào máu cá. Các lá mang của cá cũng bị biến dạng, cùng với đó là một lượng lớn các cá thể Ich bao phủ trên mang tạo thành lớp chắn vật lý, cũng góp phần khiến cho cá khó hấp thụ oxy hơn. Vì thiếu oxy nên cá có dấu hiệu lừ đừ, bỏ ăn, thở nặng nhọc và thường bơi gần những nơi có nhiều oxy như mặt nước và cục sủi oxy.
Nấm trắng Ich tấn công vào lớp biểu mô ở mang cá, khiến cá bị khó thở
– Thiếu oxy khiến cá rơi vào trạng thái căng thẳng, hệ miễn dịch (tức sức đề kháng) dần dần bị suy giảm. Nếu tình trạng này kéo dài, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, cá bắt đầu bị tuột nhớt, tróc da/vảy, mất đi các chất điện giải, dinh dưỡng và chất lỏng trong cơ thể. Từ đó, cá dễ dàng bị nhiễm thêm các loại bệnh thứ cấp do nấm và các loại vi khuẩn khác gây ra, đến khi vượt quá khả năng chịu đựng thì chúng sẽ chết.
Vòng đời sinh học của Ich
– Việc hiểu rõ vòng đời sinh học (chu kỳ sống) của Ich đóng vai trò rất quan trọng trong công tác điều trị, vì nó có liên quan đến mức độ hiệu quả của thuốc/hóa chất và lượng thời gian cần để tiêu diệt hoàn toàn được Ich. Vòng đời của Ich được chia thành 3 giai đoạn:
-
- Giai đoạn trưởng thành (trophont): Ich ở giai đoạn này được gọi là trophont, chúng ký sinh trên cá bằng cách đào bám vào dưới lớp chất nhầy và biểu mô của da/mang cá, sau đó ăn các mô biểu mô để phát triển. Nhờ được bao phủ bởi lớp biểu bì và lớp chất nhầy nên trophont không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc và hóa chất điều trị.
- Giai đoạn nang (tomont): ngay khi trophont trưởng thành, chúng ngừng ăn, rời khỏi cơ thể cá và trở thành tomont. Sau đó, tomont nhanh chóng tạo ra một bao nang mỏng đóng vai trò như một lớp vỏ bọc bảo vệ chúng khỏi các loại thuốc và hóa chất. Bên cạnh đó, lớp vỏ này còn có độ bám dính, cho phép chúng dễ dàng bám vào đáy hồ, cây thủy sinh, chất nền và các vật trang trí khác trong hồ. Từ bên trong nang, tormont phân tách thành hàng trăm hàng ngàn tế bào con (hay còn gọi là tomite).
- Giai đoạn bơi tự do (theront): tomite tiếp tục phát triển và trở thành theront, quá trình này cũng diễn ra bên trong nang. Sau vài ngày (nếu nhiệt độ nước ấm) đến vài tuần (nếu nhiệt độ nước lạnh), hàng ngàn theront chui ra khỏi nang và bắt đầu bơi tự do trong hồ để tìm vật chủ (cá, tép, ốc, v.v.). Trong vòng 2 – 3 ngày, theront bắt buộc phải tìm cho ra vật chủ để bám vào và hút lấy dinh dưỡng, nếu không chúng sẽ chết. Đây là giai đoạn mà theront không được bảo vệ, và vì vậy nên chúng có thể bị tiêu diệt bởi các loại hóa chất và thuốc điều trị.
Vòng đời của nấm trắng Ich (A: Trophont, B.1: Tomont, B.2: Tomites, C: Thetront)
– Khoảng thời gian để hoàn tất một vòng đời sinh học của Ich phụ thuộc rất lớn vào nhiệt độ nước. Ở nhiệt độ 24 – 26oC, Ich chỉ mất 3 – 6 ngày là hoàn thành xong một chu kỳ. Tuy nhiên, chu kỳ này sẽ kéo dài lâu hơn nếu nhiệt độ nước thấp, có thể lên đến 5 tuần nếu nhiệt độ dưới 7 oC.
Cách thức phòng bệnh
– Ich là loại bệnh cực kỳ dễ lây lan, phần lớn các ca nhiễm Ich là do cá mới mua về lây cho cá cũ. Các trại cá, cửa hàng cá cảnh dù có cẩn thận cách mấy cũng không thể nào đảm bảo 100% cá bán ra đều khỏe mạnh và không mang mầm bệnh.
– Chưa kể, có những con cá trông rất khỏe mạnh tại nơi bán, nhưng khi về tới nhà thì lại phát bệnh, hay nguy hiểm hơn là chúng ủ bệnh trong vài ngày hoặc thậm chí là vài tuần rồi mới đổ bệnh, lúc phát hiện ra thì chúng đã lây nhiễm cho rất nhiều con cá cũ trong hồ. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình xử lý (vớt, đóng cá vào bịch, thả cá vào hồ không đúng cách, v.v.) và vận chuyển (đường dằn xóc, nhiệt độ môi trường quá cao/quá thấp, v.v.) khiến cho cá bị căng thẳng, dẫn đến sức đề kháng bị suy yếu nên dễ bị các mầm bệnh (trong nước vận chuyển cá, nếu có) tấn công. Sau đó, chúng bắt đầu phát bệnh và đi lây cho những con cá cũ trong hồ.
– Chính vì thế, tất cả cá mới mua về cần phải được cách ly trong ít nhất 1 tuần để theo dõi và ngăn ngừa sự lây lan của Ich nói riêng và các loại mầm bệnh nói chung. Trong thực tế, các trại cá và những nhà xuất nhập khẩu cá cảnh quy mô lớn, chuyên nghiệp có thời gian cách ly cá lâu hơn (2 – 4 tuần), và thường sử dụng thêm thuốc/hóa chất để phòng bệnh cho cá ngay từ lúc mới nhập về chứ không đợi đến khi cá có biểu hiện bệnh thì mới bắt đầu trị. Hậu quả của việc để cá bệnh và lây lan mầm bệnh là vô cùng lớn, không chỉ làm hao tổn tiền bạc mà còn tốn thêm rất nhiều thời gian cũng như công sức để xử lý (kiểm tra chất lượng nước, vớt/tách cá bệnh, thay nước, v.v.) và điều trị (chẩn đoán bệnh, chọn loại thuốc, theo dõi tình trạng sức khỏe của cá, v.v.), vì vậy nên phòng bệnh luôn là giải pháp được ưu tiên áp dụng tại nhiều trại cá, cửa hàng và những người chơi cá giàu kinh nghiệm.
Xem thêm kinh nghiệm phòng bệnh cho cá cảnh tại đây.
Cách ly, dưỡng và phòng bệnh cho cá mới mua về bằng thuốc Anti Stress
– Ngoài cách thức lây nhiễm từ cá mới sang cá cũ thì Ich còn lây chéo giữa các hồ với nhau. Nhờ khả năng bám dính ở giai đoạn nang (tomont), Ich có thể dễ dàng dính vào vợt, ống siphon hoặc các loại dụng cụ khác, nếu những vật dụng này chưa được khử trùng cần thận trước khi sử dụng cho một hồ khác thì rủi ro lây nhiễm từ hồ này sang hồ kia là rất cao. Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo này, chúng ta phải luôn luôn chú ý đến vấn đề vệ sinh công cụ dụng cụ nuôi. Nếu có thể, hãy trang bị vợt, ống siphon, v.v. riêng cho mỗi hồ.
Hướng dẫn điều trị bệnh nấm trắng (Ich) bằng thuốc ParaKill
– Do nấm trắng Ich và nấm Velvet có vòng đời phát triển khá là giống nhau, và cũng đều bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ nước, cho nên chúng ta có thể áp dụng cách điều trị Velvet để trị bệnh nấm trắng.
– Tham khảo chi tiết các bước điều trị nấm Velvet tại đây.
– Video hướng dẫn điều trị nấm Velvet trên cá betta bằng ParaKill:
Biên soạn: CKCS – Cá Khỏe Cá Sung
Vui lòng dẫn nguồn khi copy hoặc sử dụng thông tin trích dẫn từ bài viết này.